Đừng cố chấp, Nga và phương Tây nên ngừng “choảng” nhau

(ĐTCK) Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đã gây ra nhiều hệ lụy nhưng không giúp giải quyết được tình hình ở Đông Ukraine.
Đừng cố chấp, Nga và phương Tây nên ngừng “choảng” nhau

“Có thể bạn gọi tôi là một người Phần Lan trung dung, nhưng chắc rằng có một cách tốt hơn là các biện pháp trừng phạt”, Risto Penttila, Tổng thư ký của tổ chức Ánh sáng phương Bắc, một hiệp hội của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, có trụ sở tại Phần Lan, bình luận về cuộc chiến kinh tế đang diễn ra giữa Nga và phương Tây. “Nga và phương Tây đang ganh đua nhau xem ai có thể gây tổn thương cho đối phương nhiều nhất. Đây không phải là cách để giải quyết một cuộc khủng hoảng”.

Tổng thống Barack Obama nói rằng, các biện pháp trừng phạt đang có tác dụng. Vâng, đúng thế. Chúng đang giúp gia tăng sự ủng hộ của dân chúng đối với ông Putin. Chúng làm doãng thêm khoảng cách về ý thức hệ, chính trị và văn hóa giữa Nga và phương Tây. Trong khi gây tổn thương cho các cố vấn thân cận của Tổng thống Nga, chúng cũng làm phương hại đến các ngư dân Na Uy, những người làm pho-mát Ý, các công ty sữa Phần Lan, công ty công nghệ Đức và các công ty năng lượng toàn cầu. Chúng lấy đi hy vọng của nền kinh tế châu Âu.

Nhưng liệu các biện pháp trừng phạt có giúp cho tình hình ở Đông Ukraine tốt lên? Không!

Các biện pháp trừng phạt có lẽ chỉ là một phần của một chiến dịch toàn diện hơn. Hiện tại, chúng là một “người đóng thế” cho chính sách. Phương Tây cần một chính sách điềm tĩnh để đối phó với một nước Nga tự tin. Nếu phương Tây không tôn trọng các quyền con người và luật pháp thì có nghĩa họ đang cậy vào sức mạnh. Nếu các quốc gia không tôn trọng các quy tắc đã được thừa nhận trong các hiệp ước quốc tế thì nghĩa là chúng ta đang quay ngược đồng hồ về một thế kỷ trước. Các nguyên tắc sẽ trở nên nguy hiểm nếu nó không được kiềm chế bởi cảm giác thông thường.

Bạn có biết câu chuyện về hai kẻ say rượu đánh nhau bởi... một nguyên tắc? Hai người đàn ông gọi đồ uống; một trong số họ lấy ra ít tiền lẻ. “Này, đó là tiền của tôi”, một người nói với người còn lại. “Không, đó là của tôi”, người kia vặn lại. “Ý mày là tao nói láo?” Xô xát xảy ra sau đó và cảnh sát được gọi đến. “Có phải các vị đã choảng nhau chỉ vì 50 xu?”, viên cảnh sát hỏi khi hai người đàn ông được xua khỏi cuộc ẩu đả. “Không, nguyên tắc phải thế”.

“Tôi không ám chỉ Crimea như đồng bạc lẻ, mà muốn nói rằng, trong một thể chế dân chủ, chính sách đối ngoại buộc phải cân bằng giữa chủ nghĩa duy thực và chủ nghĩa duy chí. Duy thực mà không duy chí sẽ dẫn đến nhạo báng. Duy chí mà không duy thực dễ dẫn đến cố chấp, đối đầu”, Penttila nói. “Bài học từ kinh nghiệm của Phần Lan khi đối đầu với Nga có thể được tóm gọn trong 2 câu. Thứ nhất, đừng nhẹ dạ. Thứ hai, đừng ngốc nghếch. Các cường quốc rất giỏi thay đổi chính sách của họ một cách bất thình lình, và Nga không phải là ngoại lệ. Bạn có nhớ Hiệp ước Tilsit? Nó đã dẫn đến việc Nga lấy lại Phần Lan từ tay Thụy Điển với sự cho phép của Napoleon. Bạn có nhớ hiệp ước Molotov-Ribbentrop? Nó dẫn đến việc Josef Stalin thâu tóm các quốc gia Baltic và cố gắng (nhưng bất thành) đối với Phần Lan. Bạn có nhớ Yalta, nơi Josef Stalin, Frankin Roosevelt và Winston Churchill chia nhau nước Đức sau Đệ nhị thế chiến?”.

Làm sao để chúng ta dừng được vòng xoáy trừng phạt? Có hai việc cần làm. Đầu tiên, nên có một hiệp ước hòa bình giữa Ukraine và Nga, kết hợp với một hiệp định biên giới và một cam kết từ Kiev về bảo đảm quyền lợi cho những người nói tiếng Nga, và một cam kết từ Moscow về việc ngừng hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở Đông Ukraine. Điều này giúp cả hai bên thoát được tình thế đối đầu. Thứ hai, Nga và phương Tây nên tái khẳng định cam kết của mình với cái gọi là các nguyên tắc Helsinki: tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và quyền con người.

Hiệp ước Helsinki sẽ bước sang tuổi 40 vào mùa hè sang năm. Đây sẽ là một thời điểm tốt để làm mới lại những thỏa ước này. Nếu Moscow chọn cách này, phương Tây cũng nên bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tin bài liên quan