Phố Wall nhanh chóng phục hồi nhờ dữ liệu kinh tế khả quan - Ảnh: Reuters

Phố Wall nhanh chóng phục hồi nhờ dữ liệu kinh tế khả quan - Ảnh: Reuters

Dữ liệu sản xuất vực dậy Phố Wall

(ĐTCK) Phố Wall và giá vàng đã phục hồi mạnh trở lại trong phiên giao dịch thứ Năm nhờ dữ liệu sản xuất của Mỹ được công bố khả quan.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng đã tăng lên mức 56,7 trong tháng 2, mức cao nhất kể từ tháng 5/2010 từ mức 53,7 trong tháng Giêng.

Dữ liệu tích cực này đã làm giảm bớt lo lắng của giới đầu tư về việc FED sẽ cắt giảm gói kích thích kinh tế (QE3) 10 tỷ USD, giúp Phố Wall hồi phục trở lại chỉ sau 1 phiên giảm điểm do lực bán tháo cuối phiên giao dịch thứ Tư.  

Một dữ liệu khác cũng hỗ trợ cho Phố Wall là số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần trước. Tuy nhiên, chỉ số triển vọng kinh doanh của Philadelphia lại giảm đã hãm đà tăng của Phố Wall.

Kết thúc phiên 20/2, chỉ số Dow Jones tăng 92,67 điểm (+0,58%), lên 16.133,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,03 điểm (+0,60%), lên 1.839,78 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 29,59 điểm (+0,70%), lên 4.267,55 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu thoái lui từ mức cao nhất 4 tuần khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc và khu vực miền Nam châu Âu không khả quan. Chỉ số PMI của khu vực đồng euro giảm xuống 52,7 trong tháng 2 từ mức 52,9 của tháng Giêng. Trong đó, khu vực dịch vụ của Pháp giảm với tốc độ nhanh nhất.

Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu hồi nhẹ trở lại khi Chỉ số Nhà quản trị mua hàng sản xuất của Mỹ được công bố.

Kết thúc phiên 20/2, chỉ số FTSE tại Anh tăng 16,28 điểm (+0,24%), lên 6.812,99 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 41,20 điểm (-0,43%), xuống 9.618,85 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 14,39 điểm (+0,33%), lên 4.355,49 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch thứ Năm khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 của Trung Quốc xuống 48,3 từ mức 49,5 của tháng Giêng, mức thấp nhất 7 tháng .

Kết thúc phiên 20/2, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 317,35 điểm (-2,15%), xuống 14.449,18 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 270,44 điểm (-1,19%), xuống 22.394,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,77 điểm (-0,18%), xuống 2.138,78 điểm.

Dù nhận được nhiều thông tin gây áp lực lên giá vàng như dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, đồng USD tăng trở lại, nhưng nhờ sự hỗ trợ mạnh của ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, cùng dữ liệu kinh tế Trung Quốc thiếu khả quan, nên giá kim loại quý vẫn hồi phục mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.

Kết thúc phiên 20/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 12,1 USD (+0,92%), lên 1.323,00 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 3,5 USD (-0,27%), xuống 1.316,9 USD/ounce.

Giá dầu thô điều chỉnh nhẹ từ mức cao nhất 4 tháng trong phiên giao dịch ngày 20/2 sau dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới. Kết thúc phiên 20/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,39 USD (-0,38%), xuống 102,92 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,17 (-0,15%), xuống 110,30 USD/thùng.

Tin bài liên quan