Ảnh AFP

Ảnh AFP

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc phủ bóng đen chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm trong phiên đầu tuần mới sau khi dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc được công bố làm dấy lên nỗi lo về suy giảm kinh tế toàn cầu.

Sau phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước, phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau khi Trung Quốc công bố xuất khẩu trong tháng 12/2018 của nước này giảm 4,4% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 7,6% làm dấy lên nỗi lo về suy giảm kinh tế toàn cầu của giới đầu tư.

Trong đó, các nhà sản xuất chíp vốn có một phần doanh thu lớn từ thị trường Trung Quốc chịu tác động mạnh nhất và khiến Nasdaq giảm mạnh nhất trong 3 chỉ số chính của phố Wall.

Dù vậy, đà giảm của Dow Jones và S&P 500 được hãm bớt nhờ kết quả kinh doanh tích cực của Citigroup Inc vừa được công bố khi vượt dự báo lợi nhuận. “Phát súng” đầu tiên trong mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh này giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 0,7%, trong đó cổ phiếu của Citigroup tăng 4%.

Kết thúc phiên 14/1, chỉ số Dow Jones giảm 86,11 điểm (-0,36%), xuống 23.909,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,65 điểm (-0,53%), xuống 2.582,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 65,56 điểm (-0,94%), xuống 6.905,92 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần sau dữ liệu xuất khẩu kém khả quan của Trung Quốc được công bố. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn chịu tin tiêu cực từ chính khu vực khi sản lượng nhà máy của khu vực đồng Euro đã giảm 1,7% trong tháng 11, với mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 3 năm. Mức giảm hàng năm là 3,3%, mức giảm lớn nhất trong 6 năm.

Kết thúc phiên 14/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 63,16 điểm (-0,91%), xuống 6.855,02 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 31,55 điểm (-0,29%), xuống 10.855,91 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 18,59 điểm (-0,39%), xuống 4.762,75 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày lễ Trưởng thành, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại đồng loạt giảm sau khi dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2018 được công bố giảm 4,4% so với năm trước, làm gia tăng nỗi lo về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kết thúc phiên 14/1, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,07 điểm (-0,71%), xuống 2.535,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 368,94 điểm (-1,38%), xuống 26.298,33 điểm.

Trên thị trường vàng, dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc đã đẩy giá kim loại quý này tăng vọt trong phiên châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, khi phố Wall hãm đà giảm sau kết quả kinh doanh tích cực của Citigroup khiến giá vàng hạ nhiệt.

Kết thúc phiên 14/1, giá vàng giao ngay tăng 4,4 USD (+0,34%), lên 1.291,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 3,4 USD (+0,26%), lên 1.291,3 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc cũng tác động tiêu cực lên giá dầu thô, khiến giá loại nhiên liệu này tiếp tục có phiên giảm hơn 2% trong ngày đầu tuần.

Kết thúc phiên 14/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,08 USD (-2,1%), xuống 50,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,49 USD (-2,5%), xuống 58,99 USD/thùng.

Tin bài liên quan