Dữ liệu kinh tế Mỹ nâng bước phố Wall

Dữ liệu kinh tế Mỹ nâng bước phố Wall

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố tích cực đã khiến lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, kéo nhóm cổ phiếu tài chính tăng theo, qua đó nâng bước phố Wall, giúp Dow Jones có phiên thứ 2 liên tiếp lập kỷ lục mới.

Theo dữ liệu vừa công bố, lĩnh vực tư nhân của Mỹ tạo thêm 230.000 việc làm trong tháng 9, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2. Còn theo báo cáo từ Viện Quản lý cung ứng cho thấy, hoạt động của ngành dịch vụ đạt mức cao nhất trong 21 năm vào tháng 9.

Dữ liệu vừa đưa ra tạo thêm kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay vào tháng 12, qua đó giúp lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3,179%, mức cao nhất hơn 7 năm, còn lợi tức trái phiếu kỳ hạn 2 năm đạt mức cao nhất hơn 10 năm.

Lợi tức trái phiếu tăng và kỳ vọng Fed tăng lãi suất thêm đã kéo nhóm cổ phiếu tài chính tăng mạnh với mức tăng 0,81%, mức mạnh nhất kể từ ngày 19/9, qua đó giúp các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Tư. Trong đó, Dow Jones có phiên thứ 2 liên tiếp lên mức đóng cửa cao nhất lịch sử.

Kết thúc phiên 3/10, chỉ số Dow Jones tăng 54,45 điểm (+0,20%), lên 26.828,39 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,08 điểm (+0,07%), lên 2.925,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 25,54 điểm (+0,32%), lên 8.025,08 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường chính của khu vực này cũng đồng loạt hồi phục (ngoại trừ chứng khoán Đức nghỉ giao dịch) sau khi một báo cáo cho biết, thâm hụt của Ý sẽ giảm xuống 2,2% GDP trong năm 2020 và 2,0% trong năm 2021 so với mức kế hoạch 2,4% GDP mà Chính phủ Ý đưa ra trước đó. Trước đó, việc Chính phủ Ý đặt kế hoạch thâm hụt ngân sách 2,4% GDP cao hơn mức dự báo đã khiến giới đầu tư lo lắng sẽ làm gia tăng mâu thuẫn giữa Ý và EU. Nỗi lo càng lớn hơn khi một quan chức của nước này cho biết, tốt hơn hết là nước này nên có một đồng “tiền riêng”.

Kết thúc phiên 3/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 35,73 điểm (+0,48%), lên 7.510,28 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,51 điểm (+0,43%), lên 5.491,40 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, áp lực chốt lời sau chuỗi tăng mạnh khiến chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng tiếp tục giảm nhẹ với thanh khoản thấp khi Trung Quốc đại lục vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh.

Kết thúc phiên 3/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 159,66 điểm (-0,66%), xuống 24.2110,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 35,12 điểm (-0,13%), xuống 27.091,26 điểm.

Khi nỗi lo tại nước Ý được tháo gỡ, giá vàng đã không còn động lực, nên quay đầu điều chỉnh trong phiên thứ Tư trả lại hơn phân nửa những gì đã có trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 3/10, giá vàng giao ngay giảm 5,7 USD (-0,47%), xuống 1.197,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 4,1 USD/ounce (-0,34%), xuống 1.202,9 USD/ounce.

Trong khi đó, sau khi hạ nhiệt nhẹ từ mức cao nhất 4 năm rưỡi, giá dầu thô đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư dồn sự chú ý vào việc Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt với Iran, bất chấp kho dự trữ hàng tuần của Mỹ tăng tới 8 triệu thùng, cao hơn gấp đôi so với mức dự báo tăng 4 triệu thùng của giới phân tích, mức cao nhất kể từ tháng 3/2017.

Kết thúc phiên 3/10, giá dầu thô Mỹ tăng 1,18 USD (+1,60%), lên 76,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,49 USD (+1,80%), lên 86,29 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 30/10/2014.

Tin bài liên quan