Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Dữ liệu kinh tế khả quan, giới đầu tư phố Wall lại lo sợ

(ĐTCK) Đang trên đà tăng điểm tích cực trong phiên cuối tuần, giới đầu tư phố Wall nhanh chóng chốt lời khi dữ liệu kinh tế công bố khả quan làm gia tăng lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất. Giá vàng cũng có phiên giảm khá mạnh cuối tuần, trong khi dầu thô đảo chiều do áp lực chốt lời dù vẫn nhận được thông tin hỗ trợ.

Các thông tin kinh tế tích cực giúp phố Wall khởi đầu phiên cuối tuần khá tích cực với mức tăng mạnh của cả 3 chỉ số chính.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ vừa cho biết, tăng trưởng GDP trong quý IV/2015 của Mỹ là 1%, cao hơn con số ước tính trước đó là 0,7%. Các dữ liệu khác cho thấy, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng Giêng tiếp tục tăng mạnh, trong khi lạm phát vẫn đứng ở mức cao nhất 4 năm.

Tuy nhiên, về cuối phiên, cùng với đà giảm của giá dầu thô, các dữ liệu kinh tế tích cực lại khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới, khiến phố Wall đảo chiều trong phiên chiều và đóng cửa giảm nhẹ, ngoại trừ Nasdaq vẫn duy trì được sắc xanh nhạt.

Dù đảo chiều trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn có được tuần tăng điểm tiếp theo, dù mức tăng không mạnh như tuần trước đó.

Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Dow Jones giảm 57,32 điểm (-0,34%), xuống 16.639,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,65 điểm (-0,19%), xuống 1.948,05 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 8,27 điểm (+0,18%), lên 4.590,47 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,51%, chỉ số S&P 500 tăng 1,58% và chỉ số Nasdaq tăng 1,91%.

Trong tuần tới, phố Wall sẽ có tuần bận rộn khi hàng loạt thông tin kinh tế quan trọng được công bố. Đầu tiên là chỉ số của ISM trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Viện quản lý nguồn cung (ISM), tiếp đến là bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP), báo cáo của Fed và quan trọng nhất là dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào cuối tuần.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên tăng điểm ấn tượng trong ngày cuối tuần. Hỗ trợ tích cực cho chứng khoán châu Âu là nhóm cổ phiếu khai mỏ khi giá kim loại như nhôm, đồng tăng mạnh. Ngoài ra, sự khởi đầu tích cực của phố Wall cũng hỗ trợ tâm lý, giúp chứng khoán châu Âu đóng cửa với mức tăng trên dưới 1,5% trong phiên cuối tuần để tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong tuần này.

Giới đầu tư đang hướng tới cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 đang diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Kết thúc phiên 26/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 83,2 điểm (+1,38%), lên 6.096,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 181,82 điểm (+1,95%), lên  9.513,3 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 66,12 điểm (+1,56%), lên 4.314,57 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 2,45%, chỉ số DAX tăng 1,33% và chỉ số CAC 40 tăng 2,17%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tiếp tục giảm giúp chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng và đóng cửa phiên cuối tuần ở mức cao nhất kể từ ngày 8/2. Trong khi đó, sự phục hồi của chứng khoán Trung Quốc sau phiên lao dốc hơn 6% hôm thứ Năm đã giúp chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh hơn 2,5% trong phiên cuối tuần để tránh được tuần giảm điểm.

Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á đang chờ đợi thông điệp từ các nhà lãnh đạo G20 đang họp tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 48,07 điểm (+0,3%), lên 16.188,41  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 475,4 điểm (+2,52%), lên 19.364,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 25,96 điểm (+0,95%), lên 2.767,21 điểm.  

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,39%, chỉ số Hang Seng tăng 0,41%, trong khi chỉ số Shanghai Composite đảo chiều giảm 3,25%.

Sự khởi sắc của chứng khoán khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên cuối tuần, có lúc xuống sát ngưỡng 1.210 USD/ounce. Tuy nhiên, về cuối phiên, khi phố Wall đảo chiều, giá vàng đã hãm đà rơi và leo lại lên trên ngưỡng 1.220 USD/ounce.

Kết thúc phiên 26/2, giá vàng giao ngay giảm 10,9 USD (-0,88%), xuống 1.221,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 16 USD (-1,29%), xuống 1.222,8 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,34% và giá vàng giao tháng 4 giảm 0,31%.

Dù có 2 tuần giảm liên tiếp, nhưng nhà đầu tư vẫn lạc quan về xu hướng của giá vàng.

Trong cuộc khảo sát trực tuyến tuần này trên Kitco có 1.428 lượt nhà đầu tư tham gia. Trong đó, có tới 1.111 lượt người, chiếm 78% lạc quan về giá vàng trong tuần mới (cao hơn con số 71% của tuần trước). Trong khi đó, có 212 người, chiếm 15% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 105 người, tương đương 7% giữ quan điểm trung tính.

Còn trong cuộc khảo sát 34 chuyên gia, có 18 người trả lời. Trong đó, có 10 người, tương đương 56% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, 5 người, chiếm 28% dự đoán giá kim loại quý sẽ tiếp tục giảm và 3 nhà phân tích, tương đương 17% giữ quan điểm trung lập.

Trên thị trường dầu mỏ, thêm thông tin hỗ trợ tích cực cho giá dầu thô được công bố cuối tuần. Theo đó, số lượng giàn khoan của Baker Hughes tiếp tục có tuần giảm thứ 10 liên tiếp. Tuy nhiên, sau chuỗi tăng giá ấn tượng, giới đầu tư đã chọn cách chốt lời, khiến giá dầu thô đảo chiều giảm nhẹ trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đến mức tăng ấn tượng trong tuần qua của giá dầu.

Kết thúc phiên 26/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,29 USD (-0,88%), xuống 32,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,19 USD (-0,54%), xuống 35,10 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 10,59%, trong khi giá dầu thô Brent cũng đảo chiều tăng 6,33% sau 2 tuần giảm liên tiếp.

Tin bài liên quan