Các chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh đều giữ vững đà tăng trong gần một thập kỷ qua, trong đó, chỉ số của Bloomberg đã tăng 32% kể từ năm 2011 cho tới nay, khi không có đồng tiền nào trong rổ 10 đồng tiền chính trên thế giới đủ sức đánh bại đà tăng của USD.
Tuy nhiên, tin vui với USD lại là nỗi đau với nhiều nhà đầu tư. Ðà tăng mạnh mẽ của đồng bạc xanh đang ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ, nhất là các công ty đa quốc gia, vốn đóng vai trò quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế Mỹ và các doanh nghiệp hiện đang sở hữu các khoản nợ hàng nghìn tỷ USD trên toàn cầu.
Coca-Cola Co. là một trong số những doanh nghiệp cảm nhận rõ ràng nhất nỗi đau này. Tập đoàn đồ uống danh tiếng hàng đầu thế giới hiện đang ghi nhận doanh thu bằng 70 đồng tiền trên toàn cầu. Theo John Murphy, Giám đốc tài chính Coca-Cola, do những biến động tiền tệ mà lợi nhuận thu về trên mỗi cổ phiếu của hãng giảm 9% trong quý II/2019, đa phần nguyên nhân xuất phát từ đà tăng giá của USD trong thời gian qua.
“Hiện tại, USD đang có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình huống khó khăn hơn và tạo ra nhiều rủi ro suy thoái hơn. Mọi kỳ vọng tích của của nhà đầu tư đều sẽ gặp thử thách trong thời gian tới”, Hans Redeker, người đứng đầu bộ phận giao dịch ngoại hối toàn cầu của Morgan Stanley cho biết.
USD đã tăng giá 32% trong 8 năm qua.
Không riêng Redeker, Jack McIntyre, chiến lược gia tại Brandywine Global Investement Management cho rằng, USD là chất xúc tác cho cuộc suy thoái tiếp theo của nền kinh tế Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Ðáng chú ý, quỹ đầu tư hiện đang quản lý khối tài sản trị giá 75 tỷ USD này nhận định, USD sẽ giảm giá khoảng 25% trong 5 năm tới và đang tích cực mua vào các đồng tiền như won (Hàn Quốc), koruna (Séc) và đồng đô la New Zealand. Trong khi đó, các chiến lược gia tại Morgan Stanley đưa ra gợi ý thêm đồng yên (Nhật Bản) và franc (Thụy Sỹ).
Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements), các khoản nợ bằng USD của các tổ chức không phải ngân hàng bên ngoài nước Mỹ đã đạt mức 11,8 nghìn tỷ USD trong tháng 3/2019.
Với việc USD tăng giá, các khoản nợ dày thêm sẽ khiến hoạt động của không ít doanh nghiệp trên toàn cầu gặp khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh các xung đột thương mại gây ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và tâm lý đầu tư, tiêu dùng.
Theo McIntyre, USD tăng giá khiến tình hình tài chính của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 gặp nhiều thách thức, bởi đây đa phần là các doanh nghiệp hoạt động trên toàn cầu.
Ðiều này dẫn tới khả năng số lượng việc làm giảm đi, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn… châm ngòi cho cuộc suy thoái tiếp theo của nước Mỹ. Nếu kinh tế Mỹ trật bánh, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị kéo lùi.