“Nếu tôi thấy không có ai đủ sức khắc phục các vấn đề của đất nước, tôi có thể sẽ đứng ra tranh cử. Chúng ta cần một người lãnh đạo chính trực, người mà có thể mang lại giải pháp cho Indonesia”, Hary Tanoesoedibjo phát biểu hồi tháng 1 năm nay.

Theo Forbes, với tổng tài sản trị giá 1,09 tỷ USD, Hary Tanoesoedibjo hiện là người giàu thứ 29 tại Indonesia. Tỷ phú 51 tuổi là đối tác kinh doanh của ông Trump tại Indonesia. Năm 2013 và 2015, ông Tanoesoedibjo đã trả khoản phí không tiết lộ cho Tập đoàn Trump để được sử dụng thương hiệu Trump và toàn quyền quản lý hai khu nghỉ dưỡng: một là khu nghỉ dưỡng siêu cao cấp rộng 100 héc-ta, tiêu chuẩn 6 sao, nằm dọc bờ biển Bali; hai là khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô Jakarta có sân golf siêu hảo hạng và 300 căn biệt thự sang trọng nằm kề một công viên chủ đề. Cả hai dự án sẽ được hoàn tất trong tương lai không xa.

Mối quan hệ đối tác kinh doanh đã mang lại lợi ích không nhỏ cho Tanoesoedibjo, cả về kinh tế lẫn chính trị. Tháng 11/2016, ngày ông Trump giành chiến thắng ghế Tổng thống, cổ phiếu của Công ty Global Mediacom (MNC Group) của ông Tanoesoedibjo tăng điểm đáng kể. Tanoesoedibjo nói rằng, ông có thể tiếp cận ông Trump trong một số trường hợp, nhưng thường thì thông qua những người con của ông Trump, đặc biệt là trong hai dự án lớn đang thực hiện ở Indonesia.

Là người có quan điểm đơn giản, thẳng thắn và coi Tổng thống Mỹ Donald Trump là nguồn cảm hứng, ông Hary Tanoesoedibjo thường được gọi bằng cái tên “Donald Trump của Indonesia”. Cũng giống như Donald Trump, doanh nhân người Indonesia là một nhân vật cuồng mạng xã hội Twitter. Trang Twitter của ông có hơn 1 triệu người theo dõi.

Quá trình gây dựng cơ nghiệp của Tanoesoedibjo cũng có nhiều nét tương đồng với ông Trump. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1989, Hary Tanoesoedibjo dựa vào vốn của cha mình để bắt đầu kinh doanh. Đến năm 1997, Tanoesoedibjo thành lập MNC Group, tập trung mua lại các công ty với giá rẻ. Ông đã thực hiện hàng chục thương vụ mua lại, đầu tư gần 1 tỷ USD, trong đó có việc mua lại 4 đài truyền hình.

Đến năm 2000, nhận thấy các chương trình tìm kiếm tài năng có tiềm năng phát triển tại Indonesia, Tanoesoedibjo đã đưa ra các phiên bản địa phương của các show truyền hình ăn khách như X-Factor, American Idol và nhiều chương trình khác. Từ năm 2005 đến nay, Tanoesoedibjo đứng ra tổ chức cuộc thi Hoa hậu Indonesia hàng năm, thậm chí còn chủ trì cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2013. MNC hiện chiếm tới 40% số khán giả và 5/10 số chương trình truyền hình phổ biến nhất tại nước này.

Với 20 năm hình thành và phát triển, MNC ngày nay là một tập đoàn hùng mạnh trải rộng trên các lĩnh vực truyền thông, tài chính và bất động sản. Tập đoàn này hiện sở hữu hơn 60 đài truyền hình địa phương, 4 đài quốc gia, 1 tờ báo, 1 công ty bất động sản và nhiều khoản đầu tư khác, chẳng hạn như mỏ than.

Những nỗ lực mở rộng MNC của tỷ phú Indonesia cũng khiến cho Tập đoàn phải gánh ngày càng nhiều khoản nợ. Tuy vậy, cũng giống như ông Trump trong chiến dịch tranh cử, ông Tanoesoedibjo rõ ràng không còn dành hết tâm sức cho công việc kinh doanh nữa. Ông đã từ chức Giám đốc điều hành (CEO) của MNC vào năm ngoái. Ông bác bỏ những quan ngại về nợ của MNC và nói rằng không có kế hoạch phát triển Tập đoàn thêm nữa.

“Nếu tôi mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn, tôi sẽ cần nhiều thời gian hơn. Nhưng tôi muốn tham gia chính trị. Tôi phải rút khỏi việc kinh doanh để chuyển sang chính trị”, Tanoesoedibjo nói.

Chiến thắng của ông Trump cũng được xem như một niềm khích lệ lớn để ông Tanoesoedibjo tiếp tục nuôi giấc mơ thành Tổng thống. Thực tế, ông đã tham gia hoạt động chính trị từ vài năm gần đây. Tanoesoedibjo từng một lần tham gia cuộc đua tranh vào vị trí ứng viên Phó tổng thống Indonesia, nhưng thất bại trong kỳ bầu cử năm 2014. Sau đó, ông quyết tâm theo đuổi mục tiêu chính trị bằng việc thành lập đảng của riêng mình, lấy tên là Indonesia Thống nhất (United Indonesia). Theo lối đi của ông Trump, ông Tanoesoedibjo cũng lấy mạng xã hội Twitter và các kênh truyền hình của mình làm diễn đàn vận động chính trị.

Theo giới quan sát, nếu ông Tanoesoedibjo thắng cử vào năm 2019, thì khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử sẽ có 2 nguyên thủ quốc gia là doanh nhân tỷ phú kiêm đối tác kinh doanh của nhau. Điều này sẽ làm gia tăng lo ngại về xung đột lợi ích liên quan tới đế chế kinh doanh của ông Trump, mặc dù chủ nhân tương lai của Nhà Trắng luôn khẳng định “sẽ không có bất cứ thỏa thuận mới nào” được ký kết trong thời gian ông làm Tổng thống.