Didi Chuxing đã đổ cả tỷ USD vào Grap Đông Nam Á

Didi Chuxing đã đổ cả tỷ USD vào Grap Đông Nam Á

Doanh nghiệp Trung Quốc đổ vốn vào start-up Đông Nam Á

(ĐTCK) Khoản đầu tư 2 tỷ USD của Didi Chuxing (Trung Quốc) và Softbank Group (Nhật Bản) đổ vào Grab tại thị trường Đông Nam Á đã đánh dấu kỷ lục mới về huy động vốn tại khu vực này.

Tuy nhiên, con số trên có thể sớm bị vượt qua khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc để mắt tới thị trường khởi nghiệp tại Đông Nam Á như một nơi “trú ẩn” lý tưởng cho các hoạt động đầu tư tại nước ngoài của mình.

Trên thực tế, theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) CB Insights, các “tay chơi” công nghệ Trung Quốc bắt đầu đổ bộ vào Đông Nam Á từ cuối năm 2015, đầu tư ít nhất 3,27 tỷ USD kể từ đó đến nay.

Dẫn đầu cuộc chơi là Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group Holding, khi hãng đã nâng cổ phần nắm giữ tại nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu khu vực Lazada Group lên 83% trong tháng 6 vừa qua, đồng thời thực hiện các thương vụ mua cổ phần tại các doanh nghiệp Ascend Money (Thái Lan), Mynt (Philippines) và M-Daq (Singapore) thông qua Ant Financial, doanh nghiệp “kỳ lân” trị giá 60 tỷ USD vận hành dịch vụ thanh toán quốc tế của Alibaba.

Bên cạnh đó, Tencent Holdings, tập đoàn điều hành ứng dụng di động WeChat, cũng đã đổ ít nhất 100 triệu USD vào Go-Jek trong tháng 5/2017, một start-up gọi xe mới nổi tại Indonesia, sau khi đã củng cố sự hiện diện tại Đông Nam Á của mình trong việc hợp tác với ABC360 tại Philippines và Ookabee U và Sanook tại Thái Lan.

“Sự thực là các tập đoàn Internet hàng đầu Trung Quốc cần hướng ra bên ngoài, tới những thị trường còn chưa được khai thác. Đông Nam Á là một điểm đến mà Trung Quốc đánh giá là đầy thu hút vì những lý do như dân số trẻ và bùng nổ thanh toán di động”, Matthew Wong, nhà phân tích chủ chốt tại CB Insights nhận định.  

Ku Kay Mok, một nhà đầu tư từ Gobi Partners cũng cho rằng, Đông Nam Á là một thị trường đầy “hợp lý” cho sự mở rộng của Trung Quốc tại nước ngoài trong mô hình dịch vụ thanh toán trả trước và tài chính thanh toán vi mô, nơi người dùng thường sử dụng các thiết bị điện tử với giá rẻ hơn được sản xuất tại Trung Quốc. 

Mục tiêu “tối thượng” mà các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc muốn hướng tới tại thị trường Đông Nam Á là kiểm soát chiếc “ví điện tử” của những người không gửi tiền tại ngân hàng. Ông Ku cho rằng, doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc muốn trở thành những ngân hàng trực tuyến tại Đông Nam Á. Để làm được điều đó, người chơi từ Trung Quốc cần có các “chân rết” là những đối tác địa phương để định hướng thị trường bản địa và đó cũng là lý do vì sao doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc liên tục mua cổ phần các công ty Đông Nam Á trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, tiềm năng thu hút đầu tư sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của một start-up Đông Nam Á.

Kelvin Teo, đồng sáng lập nền tảng cho vay Funding Societies (có trụ sở tại Singapore) cho biết: “Từ vài năm trước, chúng tôi đã dự đoán về sự đổ bộ của các doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Đông Nam Á”. Funding Societies hiện đã mở rộng hoạt động tại Indonesia và Malaysia, đồng thời đang lên kế hoạch phát triển tại thị trường thứ tư.

“Đón đầu xu hướng doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ vào Đông Nam Á, chúng tôi từng tích cực tiếp thị chính mình tại Đại lục, để chia sẻ về khả năng của mình và những gì công ty có thể phục vụ như một đối tác hoàn hảo”, Teo nói.

Năm ngoái, Funding Societies đã thu hút được 7,5 triệu USD và đang hướng tới đợt gây quỹ tiếp theo vào năm tới, với hy vọng có thể nhận được các khoản đầu tư chiến lược từ các đối tác Trung Quốc, ngân hàng và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Nhìn chung, giới phân tích cho rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số thách thức khi mở rộng tại thị trường Đông Nam Á, như phải thích ứng với mô hình đối tác khu vực mới. Bên cạnh đó, việc thắt chặt kiểm soát vốn tại thị trường Đại lục cũng làm phức tạp hơn các khoản đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc có thể “lách” được sự kiểm soát đó thông qua hình thức gây quỹ với quy mô chỉ từ 100 - 200 triệu USD để hướng tới các công ty mục tiêu niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong tương lai.

Tin bài liên quan