Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Điều gì khiến Ấn Độ và Pakistan tiến sát bờ vực chiến tranh?

Ấn Độ không kích đáp trả vụ tấn công của phiến quân ở Pakistan, Islamabad bắn rơi một máy bay và bắt phi công. Điều đó khiến 2 nước đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực.

Nam Á đang trên bờ vực của cuộc xung đột quân sự, khi Ấn Độ và Pakistan giải quyết những căng thẳng trong thời gian qua bằng cách không kích vào lãnh thổ của nhau.

Hôm 26/2, lực lượng phòng không Pakistan đã bắn hạ một tiêm kích của Ấn Độ trong không phận nước này và bắt sống một phi công.

New Delhi sau đó cũng tuyên bố bắn rơi một chiến đấu cơ của Islamabad. Tất cả điều này diễn ra chỉ một ngày, sau khi không quân Ấn Độ tiến hành không kích vào trại huấn luyện của tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed (JeM), ở Balakot của Pakistan.

Theo SCMP, sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1971, máy bay chiến đấu của Ấn Độ đã bay qua khu vực tranh chấp ở Kashmir và tấn công vào bên trong Pakistan. Vậy điều gì đã xảy và dẫn đến xung đột quân sự?

Hang ổ khủng bố ở Pakistan

Quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi vào đầu tháng, sau khi một phiến quân JeM tiến hành cuộc tấn công tự sát vào căn cứ quân đội Ấn Độ ở vùng tranh chấp Kashmir khiến 44 binh sĩ thiệt mạng. Đây là một trong những tổn thất lớn nhất của quân đội Ấn Độ trong nhiều thập niên qua do phiến quân gây ra.

Nó đánh dấu cuộc tấn công nguy hiểm nhất trong lịch sử đầy biến động ở khu vực tranh chấp Kashmir. Sự cố gần đây nhất diễn ra vào năm 2016, khi phiến quân JeM đột kích vào một trại lính của Ấn Độ giết chết 20 binh sĩ.

Điều gì khiến Ấn Độ và Pakistan tiến sát bờ vực chiến tranh? ảnh 1

 Hiện trường máy bay Ấn Độ bị phía Pakistan bắn hạ. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Phiến quân JeM có trụ sở ở Pakistan đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Điều này dẫn đến làn sóng phản đối dữ dội ở Ấn Độ, kêu gọi báo thù cho những binh sĩ thiệt mạng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải đối mặt với áp lực gia tăng để đưa ra một phản ứng mạnh mẽ.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

12 ngày sau cuộc tấn công tự sát của phiến quân, ngày 26/2, không quân Ấn Độ tiến hành không kích căn cứ của phiến quân JeM ở Pakistan.

New Delhi cho biết họ đã loại bỏ số lượng lớn phiến quân JeM, người huấn luyện, chỉ huy cao cấp và nhóm thánh chiến đang chuẩn bị cho đợt tấn công tự sát tiếp theo.

Trong khi đó, chính phủ Pakistan nói rằng máy bay của Ấn Độ đã bị không quân nước này chặn lại và buộc phải quay trở về. Islamabad cũng phủ nhận mọi thương vong hay thiệt hại về tài sản mặt đất.

Tuy nhiên, một báo cáo độc lập của tờ Al Jazeera cho thấy những quả bom từ máy bay Ấn Độ có thể đã rơi trên vùng không có người, cùng rất ít bằng chứng về thương vong.

Một ngày sau, Pakistan cho biết họ đã tiến hành không kích qua bên kia đường kiểm soát chung từ bên trong không phận nước này. Phía Ấn Độ tuyên bố bắn hạ một máy bay chiến đấu của Pakistan. Islamabad phủ nhận tuyên bố của New Delhi.

Điều gì khiến Ấn Độ và Pakistan tiến sát bờ vực chiến tranh? ảnh 2

 Chiếc máy bay Ấn Độ bị Pakistan bắn hạ nhiều khả năng là MiG-21. Ảnh: AFP.

Phía Ấn Độ xác nhận một máy bay chiến đấu nước này bị phía Pakistan bắn hạ vào ngày 27/2, phi công Abhinandan Varthaman bị phía Pakistan bắt giữ.

Chiến tranh tổng lực có xảy ra?

AS Dulat, cựu giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ, nhận định khả năng này khó xảy ra. Ông Dulat từng là cố vấn cho thủ tướng Ấn Độ về vấn đề Kashmir từ năm 2000-2004, cho biết Ấn Độ khó có thể duy trì việc sử dụng giải pháp quân sự, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan đề xuất tổ chức đàm phán.

“Tôi không nghĩ điều này có thể đi xa, sớm hay muộn, cộng đồng quốc tế cũng sẽ lên tiếng. Nam Á đang là khu vực được toàn cầu theo dõi”, ông Dulat nói với South China Morning Post.

Hai bên đang chiến đấu vì cái gì?

Ấn Độ và Pakistan bị kẹt trong cuộc tranh chấp về bang Kashmir kể từ khi họ giành được độc lập vào năm 1947. Vào thời điểm hai nước tuyên bố độc lập, bang Jammu và Kashmir với đa số là người Hồi giáo. Họ đang được cai trị bởi Hari Singh, một người theo Ấn Độ giáo.

Hari Singh đã đưa ra tùy chọn gia nhập một trong hai quốc gia hoặc duy trì sự độc lập. Tuy nhiên, khi đối mặt với sự xâm nhập của dân quân từ các bộ lạc được Pakistan hậu thuẫn, Hari Singh đã chọn gia nhập Ấn Độ, kích động cuộc chiến giữa hai nước xảy ra vào ngày 22/10/1947.

Đến ngày 1/1/1949, lệnh ngừng bắn được công bố giữa hai nước. Pakistan chiếm khoảng một phần ba Kashmir. Đường kiểm soát chung được hình thành từ đó. Theo một cách nào đó, nó trở thành biên giới giữa hai nước.

Ở thời điểm đó, chính phủ Ấn Độ đã đồng ý tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai và lập trường chính trị của người dân Kashmir, nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Người dân Kashmir tỏ ra không hài lòng về cách giải quyết vấn đề của Kashmir của chính phủ Ấn Độ. Kể từ năm 1989, sự thất vọng này tăng lên với sự hình thành các nhóm dân quân, thường do phía Pakistan hỗ trợ.

Xung đột xảy ra thường xuyên

Kể từ khi Ấn Độ và Pakistan giành độc lập và thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Anh vào năm 1947, hai nước đã xảy ra 4 cuộc chiến, 3 trong số đó vượt qua khu vực tranh chấp ở Kashmir. Quân đội 2 nước thường xuyên xảy ra đấu súng trên đường kiểm soát chung.

Hai nước đều đưa ra những số liệu cáo buộc bên kia vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ký kết vào năm 2003, sau cuộc xung đột giành quyền kiểm soát sông băng Siachen.

Điều gì khiến Ấn Độ và Pakistan tiến sát bờ vực chiến tranh? ảnh 3

 Người dân ném đá về phía lực lượng an ninh Ấn Độ trong một cuộc biểu tình vào năm 2016. Ảnh: Reuters.

Phía Ấn Độ cáo buộc, chỉ riêng năm 2018, quân đội Pakistan đã phi phạm thỏa thuận ngừng bắn tới 2.936 lần trên đường kiểm soát chung. 61 người thiệt mạng, 250 người bị thương vì các vụ nổ súng của Pakistan.

Phía Pakistan cũng đưa ra số liệu cáo buộc lực lượng quân đội Ấn Độ đã 1.400 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn cho đến tháng 8/2018.

Vấn đề không chỉ của hai nước

Ấn Độ và Pakistan đều có vũ khí hạt nhân. Do đó, bất kỳ sự leo thang quân sự nào đều có tác động bất lợi, không chỉ đối với hai nước mà còn cả thế giới. Cộng đồng quốc tế đồng loạt kêu gọi hai nước kiềm chế.

Nhà Trắng lên án cuộc xung đột và yêu cầu hai nước thực hiện ngay lập tức các biện pháp để giảm tình trạng leo thang xung đột. Liên minh châu Âu cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng về nguy cơ leo thang xung đột quân sự.

Nga đề nghị đóng vai trò làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan. Moscow kêu gọi hai nước tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề bằng chính trị và ngoại giao. Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với sự gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Một số ý kiến cho rằng, truyền thông và mạng xã hội đã góp phần làm cho vấn đề trở nên tồi tệ, khi đăng video ghi lại cảnh phi công Ấn Độ bị đánh đập. Các kênh truyền hình của hai nước cũng bị chỉ trích vì đã châm ngòi cho sự kích động của công chúng.

Tin bài liên quan