Davos thiếu tham vọng cách mạng

(ĐTCK) Hàng nghìn giám đốc điều hành, chính trị gia, lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông đại chúng một lần nữa tụ hội tại Thung lũng Davos (Thụy Sỹ) để tranh luận thường niên về cách thức cải thiện thế giới. Đó là một sự kiện đáng giá đối với các “bên liên quan” để thảo luận về cách kết hợp tốt nhất giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội.
Davos thiếu tham vọng cách mạng

Diễn đàn Kinh tế thế giới đang tiến hóa - nó thường không dự báo được cuộc khủng hoảng đang đến, nhưng Klaus Schwab, người sáng lập và là người tổ chức Diễn đàn, rất giỏi thích ứng với cuộc khủng hoảng đã qua. Diễn đàn đã biết tiếp thu các cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa vào những năm 1990 bằng cách mời các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp cùng tham gia cũng như đã cố gắng làm điều tương tự sau cuộc khủng hoảng năm 2008 khi mời thêm các lãnh đạo ngân hàng và các nhà chức trách.

Vấn đề là, mặc dù rất sôi động với những tiệc tùng và sự kiện, Davos vẫn cho người ta cảm giác cũ kỹ và bình lặng. Sự phấn khích chỉ được tạo ra từ các nhà cách mạng, chẳng hạn như các công ty công nghệ hứa sẽ tổ chức lại thế giới, một việc không chỉ có ý nghĩa tấn công vào các kết cấu xã hội hiện tại. Sinh thời, Steve Jobs của Apple từng nói vui rằng, ông “thà làm cướp biển còn hơn gia nhập hải quân”.

Thung lũng Silicon có những tham vọng vượt lên trên các tranh luận của các chính trị gia ở Thung lũng Thụy Sỹ.

Tiền Bitcoin là một ví dụ. Trong khi giới chức ngân hàng còn đang bù đầu xử lý các ngân hàng bằng các liệu pháp vốn và các tiêu chuẩn thanh khoản cũng như đưa ra nhiều quy định hơn, thì  hệ thống thanh toán toàn cầu lại đang rộn rã với một loại tiền kỹ thuật số, được phát minh bởi một hacker vô danh và được hỗ trợ bằng các chuỗi mật mã chứ không phải một ngân hàng trung ương.

Tương tự, các công ty đa quốc gia tham gia vào thỏa ước Davos như Unilever và PepsiCo - các công ty đã cẩn thận lôi kéo các tổ chức phi chính phủ vào việc theo dõi các chuỗi cung, bảo tồn nguồn nước, áp dụng công nghệ sạch - chỉ là các nhà cải cách, chứ không phải là các nhà cách mạng.

Lĩnh vực công nghệ phải đối mặt với những vấn đề tín nhiệm của riêng mình. Google và các công ty khác là mục tiêu chú ý của các chính trị gia về nghi ngờ trốn thuế và đang trở nên bối rối bởi các hoạt động gián điệp của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ. Mặc dù vậy, cho đến nay, hình ảnh một tỷ phú công nghệ trẻ tuổi vận một chiếc áo thun trùm đầu vẫn đánh bại một giám đốc điều hành trung tuổi trong bộ vét lịch lãm về mức độ được ngưỡng mộ.

Theo kết quả một cuộc khảo sát toàn cầu hàng năm, được tổ chức bởi Công ty quan hệ công chúng Edelman, có 79% số người được hỏi nói rằng, họ đặt niềm tin vào các công ty công nghệ, so với 59% tin vào các tập đoàn năng lượng và 51% vào các ngân hàng.

Tỷ lệ tín nhiệm cao đó giúp các công ty công nghệ có được điều mà mình muốn từ các chính phủ. Các công ty công nghệ và các nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ đã tiến hành một cuộc vận động mau lẹ nhằm kêu gọi bãi bỏ đạo luật hạn chế vi phạm bản quyền đã được thông qua năm 2012.

Thung lũng Silicon thi thoảng cũng đùa bỡn với việc đoạn tuyệt với chính quyền. Larry Page, Giám đốc điều hành của Google, dự định lập nên các trại nghiên cứu, với các luật lệ mới khuyến khích sự tự do sáng tạo. Peter Thiel, một nhà đầu tư mạo hiểm, lại muốn nhìn thấy các cộng đồng nổi trên biển “để thử nghiệm một cách hòa bình các ý tưởng chính phủ mới”.

Những ý tưởng trên nghe có vẻ phi lý, nhưng người ta không thể phê phán các tác giả về tham vọng của họ. Cần nhớ rằng, chính người châu Âu đã tìm đến Mỹ, định cư ở đây vào xây dựng nên các luật lệ mới cho mình.

Sự nguy hiểm cho các doanh nghiệp tin tưởng vào thỏa thuận Davos là nó có xu hướng chuyển sang chống lại họ. Dù các công ty được tin tưởng nhiều hơn chính phủ trong cuộc khảo sát của Edelman, nhưng nhiều người vẫn muốn thắt chặt hơn các quy định về kinh doanh. Người Anh muốn có thêm các quy định về năng lượng; người Đức muốn thêm quy định về tài chính; và người Trung Quốc muốn thêm các quy định về an toàn thực phẩm.

Có lẽ, sự thích nghi của Diễn đàn Davos với việc mời thêm các chính trị gia chỉ càng làm cho nó thêm gò bó vào các tranh luận pháp lý, cùng lắm là cải cách, mà thiếu vắng những ý tưởng mang tính cách mạng, thứ có thể thay đổi tương lai của loài người.

Trở lại với hai ý tưởng của Larry Page và Peter Thiel, không cần biết chúng phi lý đến cỡ nào, chúng vẫn hấp dẫn và lãng mạn hơn nhiều so với những chủ đề cũ rích. Và đối với các cư dân của cộng đồng mạng như Facebook hay Snapchat, những người vẫn đang phải vật lộn tìm việc làm và chỗ ở trong những quốc gia kẹt cứng và nặng nề bởi chính trị, đó là một tiếng gọi đầy thúc giục.

Tin bài liên quan