9 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng gần 3% so với cùng kỳ 2018.

9 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng gần 3% so với cùng kỳ 2018.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc gia tăng

(ĐTCK) Các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng kêu gọi công ty Mỹ hướng dòng vốn đầu tư tới các thị trường khác.

Các tập đoàn lớn tại Mỹ, từ Tesla Inc cho tới Walmart Inc đều đang mở rộng hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, theo bước các công ty tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Ðiều đó giúp hạn chế các tác động tiêu cực mà thương chiến Mỹ - Trung mang tới đối với hoạt động sản xuất tại nơi đây, nhất là khi hàng rào thuế quan mà Mỹ đáng áp dụng khiến giá cả hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên đắt đỏ hơn.

9 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng gần 3% so với cùng kỳ 2018, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Tốc độ này tương đương mức tăng trong năm 2018. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ đã đi xuống kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống.

“Các tập đoàn đa quốc gia hiện tại muốn đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào Trung Quốc, bởi kinh doanh tại đây ít rủi ro hơn so với hoạt động tại nước ngoài bởi nhiều hàng rào thương mại được dựng lên. Mặt khách, nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng của lực lượng dân số 1,4 tỷ người tại Trung Quốc mang tới sức hấp dẫn không thể chối từ, trong khi chiến tranh thương mại được xem như yếu tố tạm thời”, David Dollar, chuyên gia cấp cao tại Brookings Institution cho biết.

Hiện tại, 75% dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc được đổ vào lĩnh vực dịch vụ, trang thiết bị và các lĩnh vực khác phục vụ nhu cầu nội địa.

Thực tế, theo giới chuyên gia, thương chiến Mỹ - Trung trở thành chất xúc tác khiến các doanh nghiệp toàn cầu quyết định nhanh hơn việc cần phải có cơ sở riêng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Nếu phỏng vấn bất kỳ doanh nghiệp lớn nào tại Mỹ về chuyện rời khỏi thị trường Trung Quốc, câu trả lời là họ không thể, bởi cái giá phải trả quá lớn”, Arthur Kroeber, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Gavekal chia sẻ.

Trong số các dự án đầu tư mới nhất, không thể không kể tới việc Tesla đang thực hiện kế hoạch sản xuất quy mô lớn tại Trung Quốc - cơ sở sản xuất đầu tiên của doanh nghiệp này bên ngoài nước Mỹ.

Tesla đã nhận được các khoản cho vay trị giá 521 triệu USD từ các nhà băng Ðại lục để xây dựng nhà máy gần Thượng Hải. Những dự án lớn như vậy sẽ tạo tác động lan toả tích cực, bởi đi kèm đó là chuỗi các nhà cung ứng.

Theo đó, LG Chem Ltd, nhà sản xuất pin lithium-ion lớn thứ hai thế giới cho biết sẽ đầu tư khoảng 430 triệu USD vào hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Ðây là công ty được cho rằng sẽ cung ứng một số sản phẩm cần thiết cho dòng xe Model 3 của Tesla.

Trong khi đó, dù chưa tiết lộ giá trị đầu tư cụ thể, nhưng GE Renewable Energy (thuộc General Electric Co) cho biết sẽ xây dựng một nhà máy điện gió mới, cùng với các trung tâm vận hành và phát triển tại Trung Quốc.

Walmart chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm một trung tâm thương mại tại Trung Quốc, hay BASF SE mới đây đã ký thoả thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư với chính quyền tỉnh Quảng Ðông về dự án khu công nghiệp phức hợp trị giá 10 tỷ USD…

Ðây là nhà sản xuất hoá chất nước ngoài đầu tiên nhận được giấy phép sở hữu doanh nghiệp 100% vốn tại Ðại lục để tiến hành dự án, mà không cần hợp tác với đối tác nội địa.

“Dù có chiến tranh thương mại hay không, sức hấp dẫn từ thị trường 1,4 tỷ dân là không thể bỏ lỡ. Chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc”, Pascal Soriot, CEO AstraZeneca Plc khẳng định.

Ðáng chú ý, khi nhà đầu tư Trung Quốc bị “ghẻ lạnh” tại Mỹ, thì nhà đầu tư Mỹ vẫn được chào đón nhiệt tình tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Ker Gibbs, Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ tại Thượng Hải chia sẻ.

Tin bài liên quan