Ảnh: Reuters.

Ảnh: Reuters.

Dầu thô Brent vượt ngưỡng 40 USD/thùng trước thềm cuộc họp tháng 6 của OPEC+

(ĐTCK) Trong phiên giao dịch ngày 3/6, lần đầu tiên giá dầu thô Brent đã vượt 40 USD/thùng sau gần ba tháng. Giá dầu phục hồi mạnh mẽ hơn so với dự đoán trước thềm cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 4/6 của OPEC+.

Giá dầu thô Brent trên sàn giao dịch ICE ở London trong phiên giao dịch ngày 3/6 đã vượt mốc 40 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3. Giá dầu WTI trên sàn giao dịch hàng hóa New York cũng tăng hơn 80% trong vòng 1 tháng qua và đang được giao dịch ở quanh mức 37 USD/thùng.

Dầu thô Brent vượt ngưỡng 40 USD/thùng trước thềm cuộc họp tháng 6 của OPEC+ ảnh 1

Diễn biến giá dầu WTI trong vòng một tháng qua. Nguồn: TradingView.

Giá dầu đang có những phiên phục hồi mạnh mẽ trước thềm cuộc họp tháng 6 của OPEC+. Ban đầu, cuộc họp của liên minh này được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 9 – 10/6, song các bên tham gia đang đàm phán để tổ chức cuộc họp sớm hơn vào ngày 4/6, hãng tin TASS trích dẫn các nguồn tin nội bộ cho biết.

Dầu thô Brent vượt ngưỡng 40 USD/thùng trước thềm cuộc họp tháng 6 của OPEC+ ảnh 2

Diễn biến giá dầu thô Brent trong vòng một tháng qua. Nguồn: TradingView.

Cần phải nhắc lại rằng, trong suốt tháng 5 và tháng 6, các quốc gia tham gia thỏa thuận OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng tổng cộng 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày để ổn định giá dầu.

Theo các thỏa thuận đạt được, từ tháng 7 đến hết năm 2020, khối lượng cắt giảm sẽ giảm xuống còn 7,7 triệu thùng mỗi ngày và từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, con số cắt giảm sẽ là 5,8 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, trong cuộc họp tháng 6 sắp tới, các quốc gia  trong liêm minh có khả năng sẽ đồng ý gia hạn hạn ngạch sản xuất hiện tại cho đến cuối năm nay.

“Nếu dự định kéo dài mức giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày đến cuối năm được ủng hộ, giá dầu sẽ tiếp tục tăng. Việc đẩy sớm cuộc họp OPEC+ từ ngày 9/6 lên ngày 4/6 cho thấy các quốc gia thành viên của liên minh đã tiến gần đến sự đồng thuận về vấn đề này”, Dmitry Babin, chuyên gia phân tích thị trường tại BCS Broker, nhận định.

Lưu ý, trong khuôn khổ thỏa thuận, Nga và Ả Rập Xê-út là hai nhà sản xuất cắt giảm chính, mỗi nước giảm sản lượng 2,5 triệu thùng/ngày. Hơn nữa, trước đó, Riyadh còn tuyên bố ý định tiếp tục giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày.

Không chỉ các quốc gia tham gia thỏa thuận OPEC+ cắt giảm sản lượng, các quốc gia ngoài thỏa thuận khác như Mỹ, Na Uy, Argentina và Canada cũng đã cắt giảm đáng kể sản lượng của mình.

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhờ nỗ lực cắt giảm của tất cả các nhà sản xuất, trong tháng 5, nguồn cung dầu trên thị trường thế giới đã giảm 12 triệu thùng mỗi ngày. Theo Bộ Năng lượng Nga, trong những tháng tiếp theo, tổng khối lượng sản xuất mà các nhà sản xuất dầu mỏ toàn cầu cắt giảm có thể đạt 15 - 20 triệu thùng mỗi ngày.

Ngoài ra, báo giá dầu cũng phản ứng tích cực với sự nới lỏng dần dần của các biện pháp giãn cách tại một số quốc gia. Theo IEA, trên toàn thế giới, số người phải thực hiện các giãn cách xã hội trong tháng 5 đã giảm xuống còn 2,8 tỷ người từ 4 tỷ người trong tháng 4.

Chuyên gia Artyom Deev, trưởng bộ phận phân tích của AMmarket, nhận định, trong một vài tháng tới, thế giới sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, sản xuất phục hồi dần, điều này đồng nghĩ với việc nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên.

Theo giới phân tích, trong tương lai gần, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Dmitry Babin tin tưởng, sự sụt giảm GDP toàn cầu sẽ chậm lại trong quý III, điều này sẽ hỗ trợ thêm cho giá dầu.

Tuy nhiên, dù thị trường đang phát đi nhiều tín hiệu tích cực, song các chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại, nếu làn sóng dịch bệnh thứ hai quay trở lại khiến nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến, giá dầu có thể sẽ lại rơi xuống mức 15 - 30 USD/thùng.

Ngoài ra, mối đe dọa lớn khác đối với tất cả các thị trường vẫn là sự gia tăng căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Nếu các bên làm trầm trọng thêm xung đột hiện tại, thị trường dầu mỏ sẽ phải chịu một đợt tấn công mạnh mẽ, bởi Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất”, Dmitry Babin nói thêm.

Tất nhiên, các chuyên gia đều không mong đợi các sự kiện như vậy diễn ra trong tương lai gần. 

“Theo kịch bản cơ bản, vào tháng 6, giá dầu Brent sẽ nằm trong khoảng 36 – 40 USD/thùng và sẽ tăng lên mức 40 - 45 USD/thùng vào cuối mùa hè. Đồng thời, dầu WTI sẽ được giao dịch ở mức 35 - 38 USD/thùng trong tháng này và vào cuối mùa hè, giá dầu WTI sẽ đạt ngưỡng 38 - 42 USD/thùng”, Dmitry Babin dự báo.

Tin bài liên quan