Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Dầu thô bất ngờ phục hồi, kéo phố Wall đảo chiều theo

(ĐTCK) Đang dao động dưới tham chiếu, giá dầu thô bất ngờ nhận được tin hỗ trợ từ kho dự trữ dầu của Mỹ giảm, nên đảo chiều tăng cuối phiên, kéo theo phố Wall đảo chiều. Trong khi đó, giá vàng vẫn liên tiếp lình xình theo xu hướng giảm nhẹ để chờ thông tin.
Lo lắng về sức khỏe yếu của kinh tế toàn cầu, trong khi khả năng Fed tăng lãi suất lại đang cao dần và thận trọng trước cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 của người dân Anh về việc đi hay ở trong Liên minh châu Âu (EU) khiến phố Wall chủ yếu chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, về cuối phiên, sự phục hồi của giá dầu thô đã kéo chứng khoán Mỹ đảo chiều thành công và các chỉ số đều đóng cửa trong sắc đỏ, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên trước đó, thậm chí còn dôi dư.

Theo dữ liệu mới được công bố, bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) của Mỹ có thêm 173.000 việc làm trong tháng 5, đúng như dự báo. Bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu với dự đoán có thêm 160.000 việc làm mới được tạo ra.

Kết thúc phiên 2/6, chỉ số Dow Jones tăng 48,89 điểm (+0,27%), lên 17.838,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,93 điểm (+0,28%), lên 2.1085,26 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,11 điểm (+0,39%), lên 4.971,36 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu vẫn đang gặp khó khăn khi trong phiên châu Âu, giá dầu thô đang giảm, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chỉ điều chỉnh tăng rất nhẹ tăng trưởng kinh tế và lạm phát khu vực đồng eurozone và giữ nguyên lãi suất như dự đoán.

Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, ECB nâng tăng trưởng năm 2016, nhưng hạ mức tăng trưởng của năm 2018. Trong khi đó, lạm phát dự báo tăng 0,2% so với mức 0,1% năm nay.

Kết thúc phiên 2/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 6,32 điểm (-0,10%), xuống 6.185,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 3,56 điểm (+0,03%), lên 10.208,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 9,39 điểm (-0,21%), xuống 4.466,00 điểm.

Trên thị trường châu Á, sức mạnh của đồng yên khiến chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất trong 1 tháng qua. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang thận trọng về cuộc bỏ phiếu “Brexit” - Anh rời khỏi hay ở lại EU sắp diễn ra, cũng như lo ngại về chính sách tài chính của Nhật Bản cũng góp phần khiến Nikkei 225 lao dốc trong phiên thứ Năm.

Trong khi đó, dù vẫn lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc, cũng như Brexit và Fed tăng lãi suất, nhưng chứng khoán Hồng Kông vẫn có được mức tăng nhẹ trong phiên thứ Năm, chứng khoán Trung Quốc cũng hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 2/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 393,18 điểm (-2,32%), xuống 16.562,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 98,24 điểm (+0,47%), lên 20.859,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 11,72 điểm (+0,40%), lên 2.925,23 điểm.

Trên thị trường vàng, trong phiên thứ Năm không có nhiều thông tin đủ mạnh tác động, nên giá kim loại quý này chủ yếu dao động lình xình trong biên độ hẹp và kết thúc phiên với mức giảm nhẹ tiếp theo. Cũng như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư trên thị trường vàng cũng đang chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, sắp tới là cuộc họp tháng 6 của Fed và cuộc bỏ phiếu “Brexit” tại Anh.

Kết thúc phiên 2/6, giá vàng giao ngay giảm 2,3 USD (-0,19%), xuống 1.210,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,1 USD (-0,17%), xuống 1.209,8 USD/ounce.

Thất vọng với OPEC khi tổ chức này không thể tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra mức trần sản lượng khai thác, giá dầu thô chủ yếu giảm giá trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, cuối phiên Mỹ, thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm đã giúp giá loại nhiên liệu này đảo chiều đi lên và đóng cửa với mức tăng nhẹ, trong đó giá dầu thô Brent đã chính thức đóng cửa trên mốc 50 USD/thùng.

Kết thúc phiên 2/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,16 USD (+0,33%), lên 49,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,32 USD (+0,64%), lên 50,04 USD/thùng.

Tin bài liên quan