Thị trường tài chính châu Á những ngày đầu năm đang khá bấp bênh

Thị trường tài chính châu Á những ngày đầu năm đang khá bấp bênh

Dầu mỏ và Trung Quốc ám ảnh doanh nghiệp Đông Nam Á

(ĐTCK) Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tái định giá các danh mục đầu tư chứng khoán của mình trước những bất ổn trên các thị trường thời gian gần đây, thị trường dầu mỏ và kinh tế Trung Quốc chính là hai yếu tố quan trọng nhất mà nhiều doanh nghiệp Đông Nam Á quan tâm nhằm định hướng hoạt động kinh doanh của mình.

Cổ phiếu tài chính và dầu mỏ… mất phanh

Trên các thị trường Đông Nam Á, cổ phiếu dầu mỏ ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong những tuần qua. Trong khi đó, cổ phiếu trong lĩnh vực bán lẻ, hàng không và hóa dầu vẫn duy trì sự ổn định đáng kể. Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu mỏ Keppel Corp của Singapore cho biết, doanh thu bán các giàn khoan dầu khí ngoài khơi của Hãng đã giảm gần 25%, xuống chỉ còn 10,3 tỷ dollar Singapore (7,36 tỷ USD), đồng thời Công ty không nhận thêm được bất kỳ đơn đặt hàng giàn khoan dầu trong thời gian qua. Kể từ đầu năm 2016 tới nay, cổ phiếu của Công ty đã sụt giảm mạnh gần 30%.

Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Thái Lan PTT cũng ghi nhận mức lợi nhuận ròng sụt giảm 78% trong 3 quý đầu năm 2015, so với cùng kỳ năm trước đó. Cổ phiếu của Hãng đã giảm gần 20% kể từ đầu năm 2016 tới nay.

Một doanh nghiệp dầu khí khác là Petroliam Nasional (hay còn được biết đến với tên gọi Petronas) của Malaysia cũng trong hoàn cảnh khó khăn tương tự, buộc Công ty phải cắt giảm đầu tư do lợi nhuận suy giảm.

Một yếu tố khác tác động tới các doanh nghiệp Đông Nam Á là thể trạng kinh tế Trung Quốc. Tập đoàn tài chính DBS Group Holdings, công ty từng có giá trị thị trường lớn nhất Đông Nam Á tính trên phương diện tài sản, chứng kiến mức độ vốn hóa thị trường (tính bằng đồng USD) của Hãng giảm đáng kể, qua đó đẩy DBS Group Holdings xuống vị trí thứ hai trong khu vực, sau Ngân hàng Bank Central Asia của Indonesia.

Cổ phiếu của DBS kể từ đầu năm tới nay ghi nhận mức giảm gần 20%. Nguyên nhân chủ yếu là do ngân hàng này có mối liên kết quá lớn tới thị trường Trung Quốc, khi các khoản cho vay tại nền kinh tế lớn thứ hai này chiếm trên 30% tổng số cho vay của họ. Điều này khiến các nhà đầu tư lo sợ DBS có thể tổn thương khi các khoản vay không sinh lời và nợ xấu gia tăng tại Trung Quốc.

Trái lại, Bank Central Asia ít chịu rủi ro hơn trước “nhân tố Trung Quốc” khi các hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn chủ yếu tập trung vào các công ty Indonesia.

Một ví dụ điển hình khác là các nhà vận hành hệ thống casino tại Philippines, những người đang phải trả giá vì quyết định đầu tư mạnh mẽ và tập trung quá mức vào đối tượng du khách đến từ Trung Quốc. Giới nhà giàu Trung Quốc đang phải cân nhắc trước các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng và đánh bài tại Philippines khi “bóng ma” TTCK suy giảm vẫn chưa thôi ám ảnh họ. 

Các thiên đường trú ẩn

Bán lẻ là một trong số ít những lĩnh vực không nằm trong phân khúc dự báo tiêu cực của các nhà đầu tư trong khu vực. Theo khảo sát của Hãng tin Nikkei đối với 100 doanh nghiệp Đông Nam Á dựa trên mức độ vốn hóa thị trường và triển vọng tăng trưởng, cổ phiếu lĩnh vực bán lẻ và nhà hàng vẫn giữ ở mức tương đối ổn định bất chấp các biến động thị trường.

Ngành hàng không là một lĩnh vực khác ghi nhận sự khởi sắc bất chấp biến động trên TTCK. Lợi nhuận ròng của Singapore Airlines tăng 36%, lên 275 triệu dollar Singapore trong quý cuối năm 2015. Chi phí nhiên liệu giảm 24% là nhân tố chính đằng sau mức tăng lợi nhuận ấn tượng này.

Giám đốc điều hành AirAsia X, Benyamin Bin Ismail cho biết, hãng hàng không giá rẻ này kỳ vọng sẽ đạt mức lợi nhuận khả quan trong năm nay, nhờ giá nhiên liệu rẻ hơn giúp triển vọng kinh doanh của hãng tốt hơn.

Hóa dầu cũng là ngành hưởng lợi khi giá “vàng đen” thấp. Chi phí đầu vào rẻ giúp lợi nhuận của Tập đoàn hóa dầu Siam Cement Group của Thái Lan tăng tới 35% trong năm 2015 so với năm trước đó.        

Tin bài liên quan