Đại gia bất động sản Hồng Kông lũ lượt rời sàn chứng khoán

Đại gia bất động sản Hồng Kông lũ lượt rời sàn chứng khoán

(ĐTCK) Một dịch bệnh nặng nề chưa thể kiểm soát nối tiếp những tháng trì trệ kéo dài vì biểu tình phản đối chính quyền. Sự kết hợp này chưa bao giờ là dễ chịu đối với thị trường bất động sản Hồng Kông, nhất là khi đây cũng là nơi đắt đỏ bậc nhất thế giới. Vậy nhưng, các nhà phát triển bất động sản tại nền kinh tế này dường như đã tìm được lối đi khác.

Chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) ước tính, nền kinh tế sẽ suy giảm khoảng 1,5% trong năm nay, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động kinh tế, đẩy lùi ngành du lịch và tạo áp lực lên tiêu dùng. Chưa kể, trong quý IV/2019, GDP của Hồng Kông giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước đó, màn biểu diễn tệ nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào năm 2009.

Tại thị trường bất động sản, số liệu mới nhất được Centaline Property
Agency công bố thể hiện, giá nhà ở/căn hộ tổng hợp tại Hồng Kông giảm 6,5% so với mức đỉnh gần nhất đạt được vào tháng 6/2019.

Trong bối cảnh này, các nhà phát triển bất động sản Hồng Kông đang tự chọn cho mình một lối đi khác biệt. Chẳng hạn, gia tộc của Peter Woo quyết định tư nhân hoá Wheelock & Co với nhận định, những doanh nghiệp sở hữu lợi thế cạnh tranh đặc biệt sẽ ít bị tác động nhất bởi sự sụt giảm giá bất động sản do dịch bệnh và việc đưa tài sản rời khỏi thị trường niêm yết là một bước đi chiến lược.

Theo giới chuyên gia, hiện tại, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Hồng Kông đang giao dịch dưới giá trị sổ sách nhiều lần, bởi thị trường chung chịu ảnh hưởng tiêu cực trước các biến động trên toàn cầu trong thời gian qua. Điều này đồng nghĩa với việc tư nhân hoá công ty có thể giữ vững và củng cố giá trị tài sản, cũng như vị thế doanh nghiệp nếu giá bất động sản tiếp tục đi xuống.

Wheelock là một tập đoàn đang sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp niêm yết khác như Wharf Real Estate Investment Co (Wharf REIC) và Wharf Holdings Ltd. Gia đình họ Woo, hiện sở hữu 67% vốn điều lệ Wheelock, hiện đang rao bán cổ phiếu Wharf REIC và Wharf Holdings với giá hơn 12 HKD (1,54 usd)/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu Wheelock được định giá 71,9 HKD/cổ phiếu, cao hơn 52% so với giá phiên giao dịch gần nhất, trước khi cổ phiếu này bị tạm ngừng giao dịch vào phiên 24/2.

Gia tộc họ Woo không phải những người duy nhất lựa chọn con đường này. Trước đó, trong năm 2019, Hopewell Holdings Ltd đã huỷ niêm yết sau khi người sáng lập Gordon Wu, hiện đã 84 tuổi đưa ra quyết định. Năm 2016, New World China Land Ltd cũng đã tư nhân hoá và nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn bởi gia tộc họ Cheng.

Thực tế, việc giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Hồng Kông giảm mạnh một phần cũng phản ánh thực trạng các cổ đông lớn nắm quyền chi phối doanh nghiệp, khiến nhà đầu tư lo lắng quyền lợi của cổ đông thiểu số sẽ không được bảo đảm, nhất là khi các tập đoàn tại đây thường do một gia tộc “trị vì”.

Chẳng hạn, với WheeLock, khó có thể phủ nhận lợi thế của doanh nghiệp này, nhất là về quỹ đất. Đây là tập đoàn đang phát triển hàng loạt dự án bất động sản dân cư cỡ lớn, với giá bán luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Ngay cả trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra cao trào trong năm 2019, WheeLock vẫn đủ sức xoay xở và giữ vững hoạt động kinh doanh, mở bán thành công các căn hộ tại dự án Lohas Park.

Bên cạnh đó, do nguồn cung nhà tại Hồng Kông quá hạn chế, chính quyền nơi đây đã quyết định mở bán đấu giá một số quỹ đất mới và tính cạnh tranh là rất cao để đấu thầu thành công. Vậy nhưng trong tháng trước, Wheelock vẫn trở thành “người chiến thắng” khi mua được lô đất có khả năng cung cấp 2.000 căn hộ ra thị trường.

Không riêng Whelock, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác tại thị trường Hồng Kông cũng đang có cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách nhiều lần, trong đó có Hong Kong Land Holdings Ltd, chủ đất văn phòng lớn nhất tại quận tài chính trung tâm; Kerry Properties ltd, nhà phát triển bất động sản sở hữu hàng loạt biệt thự hạng sang… Trong bối cảnh giá cổ phiếu tiếp tục đi xuống, không loại trừ khả năng một số ông chủ sẽ quyết định rời khỏi thị trường niêm yết và tự mình “làm chủ”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan