Cựu Giám đốc Volkswagen bị bắt vì dính líu bê bối gian lận khí thải

Nhà chức trách Croatia đã bắt giữ ông Axel Eiser theo lệnh bắt quốc tế từ phía Mỹ do cựu Giám đốc Audi và Volkswagen có liên quan đến các cáo buộc cài đặt phần mềm gian lận khí thải.
Cựu Giám đốc hãng xe Audi và Volkswagen (VW) Axel Eiser. (Nguồn: DPA).

Cựu Giám đốc hãng xe Audi và Volkswagen (VW) Axel Eiser. (Nguồn: DPA).

Cựu Giám đốc hãng xe Audi và Volkswagen (VW) Axel Eiser vừa bị bắt giữ tại Croatia do liên quan đến vu bê bối gian lận khí thải trên dòng xe chạy bằng động cơ diesel của Volkswagen hồi năm 2015.

Bộ trưởng Nội vụ Croatia ngày 16/6 xác nhận ông Eiser bị bắt hôm 9/6 vừa qua ở cửa khẩu Kastel khi đang làm thủ tục nhập cảnh từ Slovenia vào Croatia.

Theo nguồn tin cảnh sát sở tại, nhà chức trách bắt giữ ông Eiser theo lệnh bắt quốc tế từ phía Mỹ do cựu Giám đốc Audi và Volkswagen có liên quan đến các cáo buộc cài đặt phần mềm gian lận khí thải trên nhiều mẫu xe chạy bằng động cơ diesel.

Trong khi đó, thông báo của Đại sứ quán Đức nêu rõ giới chức tư pháp Mỹ đã truy tố ông Eiser hồi tháng 1/2019 và một thẩm phán của Croatia sau đó đã ra lệnh giam giữ nhân vật này tại Pula, miền Tây Bắc Croatia.

Ông Eiser từng đảm nhận vai trò giám đốc phụ trách Bộ phận động cơ của Audi và là một trong các thành viên ban điều hành, trong đó có cựu Giám đốc VW Martin Winterkorn - người cũng đã bị buộc tội tại Mỹ. 

Vụ bê bối có tên "Dieselgate" bị phát giác hồi năm 2015 khi Đại học Tây Virginia (Mỹ) công bố báo cáo đề cập lượng khí thải cao từ một số xe của VW.

Sau thông tin này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã mở cuộc điều tra và phát hiện VW cài đặt phần mềm gian lận lượng khí thải với khoảng 11 triệu xe chạy bằng động cơ diesel của hãng nhằm giúp các xe này vượt qua các cuộc kiểm tra tiêu chuẩn khí thải.

Vụ bê bối đã dẫn đến cuộc khủng hoảng đối với toàn bộ ngành công nghiệp ôtô sau khi việc gian lận cũng được phát hiện tại một số công ty khác.

Để tránh một vụ kiện tập thể, VW đồng ý bồi thường thiệt hại cho 235.000 chủ sở hữu xe hơi ở Đức, với số tiền ước tính lên tới 830 triệu euro.

Tính đến nay, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới đã phải chi hơn 30 tỷ euro (34 tỷ USD) để giải quyết vụ bê bối ở Mỹ và các quốc gia khác.

Tin bài liên quan