Cựu chủ tịch nghị viện Catalonia Carme Forcadell

Cựu chủ tịch nghị viện Catalonia Carme Forcadell

Cựu chủ tịch nghị viện Catalonia từ bỏ hoạt động đòi độc lập

Bà Carme Forcadell được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh và tuyên bố từ bỏ mọi hoạt động chính trị chống lại hiến pháp Tây Ban Nha.

Cựu chủ tịch nghị viện Catalonia Carme Forcadell được thả hôm 10/11 sau khi nộp khoản bảo lãnh 150.000 euro (hơn 170.000 USD) và đồng ý từ bỏ mọi hoạt động chính trị chống lại hiến pháp Tây Ban Nha. Điều này có thể khiến bà Forcadell không thể đưa ra các tuyên bố ủng hộ độc lập trong cuộc bầu cử khu vực Catalonia vào tháng sau, Reuters đưa tin.

Những điều khoản được bà Forcadell chấp nhận cũng đe dọa tới chiến dịch đòi độc lập cho vùng tự trị Catalonia, vốn đã xuất hiện nhiều rạn nứt trong thời gian qua. Nguồn tin từ Tòa án tối cao Tây Ban Nha cho biết cựu chủ tịch Forcadell và nhiều cựu nghị sĩ Catalonia đã khẳng định tuyên bố độc lập của nghị viện Catalonia không có ràng buộc về mặt pháp lý.

"Qua tuyên bố từ các lãnh đạo ly khai, chúng ta có thể thấy việc hồi phục trật tự hiến pháp đang dần trở thành hiện thực", người phát ngôn chính phủ Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo phát biểu hôm qua.

Thẩm phán Pablo Llarena cho hay tòa có thể xem xét lại phán quyết nếu tìm thấy thêm bằng chứng về cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và sử dụng công quỹ sai mục đích nhằm vào bà Forcadell. Điều này có thể ngăn bà tham gia cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 21/12.

90% số cử tri Catalonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 đồng ý tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha. Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont sau đó tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành để đàm phán với Madrid. Tây Ban Nha cho rằng cuộc trưng cầu vi hiến.

Ông Puigdemont, 54 tuổi, phớt lờ lệnh triệu tập của một thẩm phán ở Madrid. Cựu lãnh đạo Catalonia nói ông muốn được đảm bảo xét xử công bằng. Ông đang ở Bỉ. Trong thư gửi tới nhật báo El Punt Avui ngày 9/11, ông Puigdemont kêu gọi "trả tự do cho các tù nhân chính trị bị Tây Ban Nha giam giữ".

Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng những quan chức bị giam không được coi là "tù nhân chính trị... bởi họ bị cáo buộc có hành động cấu thành tội hình sự".

Tin bài liên quan