Cựu CEO đào tẩu, nhưng Nissan không thể trốn chạy

(ĐTCK) Carlos Ghosn - cựu CEO Nissan vừa thực hiện “nhiệm vụ bất khả thi” khi trốn thoát khỏi Nhật Bản, tuy nhiên, Nissan thì không thể trốn chạy khỏi những vấn đề hiện tại.

Carlos Ghosn bị bắt tại Nhật Bản từ tháng 11/2018 với các cáo buộc sử dụng tài sản của Công ty vào mục đích cá nhân, không khai báo đầy đủ thu nhập.

Trong thời gian đó, ông bị quản thúc tại gia và không thể rời khỏi Nhật Bản cho tới khi thực hiện vụ đào tẩu gây rúng động tới Lebanon (thủ đô Beirut). Cựu CEO Nissan có kế hoạch tổ chức họp vào ngày 8/1. Trước đó, ông phủ nhận mọi cáo buộc với mình.

Carlos Ghosn từng được mệnh danh là “người hùng” của ngành công nghiệp ô tô và được kỳ vọng sẽ vực dậy Nissan đang trong tình cảnh lao đao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, “người hùng” đã không thực hiện được nhiệm vụ của mình, thậm chí còn đổ thêm dầu vào lửa.

Vị CEO này từng có kế hoạch thắt chặt mối quan hệ giữa Nissan và Renault, 2 doanh nghiệp sản xuất ô tô tên tuổi sau quãng thời gian liên minh lâu dài.

Tuy nhiên, các điều khoản liên quan tới quá trình sáp nhập 2 doanh nghiệp đang trong màn sương mờ, với rất ít thông tin được công bố.

Ðáng chú ý, dù nhiều kế hoạch được đưa ra, nhưng khả năng thành công khá thấp khi Pháp và Nhật Bản khó dung hòa các lợi ích chính trị.

Trong bối cảnh này, không có gì bất ngờ khi cả 2 công ty đều kết thúc năm với vị trí thấp nhất trong danh sách các nhà sản xuất ô tô toàn cầu.

Trong 2 quý vừa qua, lợi nhuận hoạt động của Nissan giảm tới 85% so với cùng kỳ năm trước, thu nhập ròng giảm 73,5%. Công ty đã hạ dự báo doanh số bán hàng cho năm tài chính kế tiếp.

Cựu CEO đào tẩu, nhưng Nissan không thể trốn chạy ảnh 1

Sau khi hạ bậc xếp hạng với Nissan trong tháng trước, S&P Global Rating cho biết, hãng xếp hạng này không kỳ vọng hoạt động của Nissan sẽ có sự cải thiện trong 1-2 năm tới, ngay cả khi doanh nghiệp đang tiến hành cải tổ và ra mắt các mẫu xe mới. Ðáng chú ý, S&P Global Rating nhận định, lợi nhuận của Nissan sẽ còn chịu thêm nhiều áp lực.

Với kết quả kinh doanh không khả quan, giá cổ phiếu Nissan giao dịch ở mức thấp nhiều năm qua. Trong tháng 11/2019, Công ty thông báo trì hoãn kế hoạch cổ tức do Ban lãnh đạo chưa thể đưa ra quyết định. Ðiều này khiến các cổ đông càng thêm thất vọng.

Ðáng chú ý, một trong những mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch cải tổ của Nissan là việc nâng cao năng lực quản trị và tính gắn kết của đội ngũ lãnh đạo.

Cựu CEO đào tẩu, nhưng Nissan không thể trốn chạy ảnh 2

Tuy nhiên, tháng 12/2019, Jun Seki, phó chủ tịch phụ trách hoạt động, nhân vật quyền lực thứ 3 tại Nissan đã nghỉ việc trong vòng chưa tới 1 tháng khi đội ngũ lãnh đạo mới được thiết lập.

Seki đã gắn bó với Nissan từ năm 1986, đóng vai trò chủ chốt đối với việc xây dựng hoạt động của Công ty tại Trung Quốc.

Sự rời đi có phần vội vã này khiến nhà đầu tư bất ngờ, bởi đội ngũ lãnh đạo mới chưa có thời gian chuyển giao cần thiết. Chưa kể, Jun Seki lại chuyển tới Nidec Corp, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hiện đang được điều hành bởi doanh nhân nhiều tham vọng Shigenobu Nagamori.

Có thể nói, các yếu tố quản trị và việc thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin đang khiến Nissan ngày càng mất điểm trong mắt giới đầu tư.

Hiện tại, Nissan đang dưới sự dẫn dắt của CEO Makato Uchida, người vừa được bổ nhiệm vào tháng 10/2019.

Chặng đường phía trước với vị CEO này sẽ rất chông gai, nhất là khi nhu cầu toàn cầu đối với ô tô đã suy yếu và tương lai của liên minh vẫn chưa được định đoạt.

Tin bài liên quan