Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung:  Chưa rõ phần thắng

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Chưa rõ phần thắng

(ĐTCK) Vào cuối tháng 8, cuộc đối thoại tiếp theo giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc về các căng thẳng thương mại dự kiến sẽ diễn ra. Nếu kết nối thành công, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của 2 bên kể từ ngày 3/6/2018.

Do đó, mối bận tâm hơn bao giờ hết của các thành viên thị trường là diễn biến hiện tại của cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và các tín hiệu mới từ 2 bên?

Trong các bài viết trên mạng xã hội của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần cho rằng, có thể dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Vậy cho tới hiện tại, phần thắng đang thuộc về ai?

Theo các yếu tố mà thị trường vẫn sử dụng làm công cụ để đánh giá, dường như Trung Quốc đang thua cuộc. Cụ thể, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm hơn 20% kể từ đầu năm cho tới nay. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 5,7%. Đây là màn "biểu diễn" ấn tượng hơn hẳn so với các chỉ số FTSE Europe, MSCI Nhật Bản, MSCI các thị trường mới nổi…

Tuy nhiên, có không ít bằng chứng cho thấy, diễn biến thị trường chứng khoán Đại lục không có nhiều mối liên kết chặt chẽ với nền kinh tế như tại các thị trường phát triển khác, trong đó có Mỹ. Do đó, để tìm ra người thắng cuộc, các chuyên gia cho rằng phải căn cứ vào những yếu tố cụ thể hơn.

Hiện tại, chính phủ của Tổng thống Trump đang triển khai 3 mũi nhọn chính đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thứ nhất, máy giặt và lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Thứ hai, sản phẩm thép và nhôm (có giá trị khoảng 46,1 tỷ USD); các phương tiện vận chuyển (giá trị khoảng 290 tỷ USD gồm xe ô tô, thiết bị lắp ráp) và sản phẩm uranium (2,8 tỷ USD).

Thứ ba, đánh thuế vào các sản phẩm liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, bắt đầu bằng việc áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 7 và thêm 16 tỷ USD hàng hóa khác kể từ ngày thứ Năm (23/8/2018). Đồng thời, còn 200 tỷ USD hàng hóa khác đang được xem xét các mức thuế và sẽ có thông tin công bố vào đầu tháng 9.

Với các diễn biến này, theo số liệu từ Panjiva/S&P Global Market Intelligence, nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ đã giảm 22,4% trong tháng 7 so với tháng 3/2018. Tuy nhiên, trong 3 tháng tính tới ngày 31/7, giá trị nhập khẩu nhôm thép của Mỹ tính bằng USD chỉ thấp hơn 7,6% so với quý I/2018.

Nhập khẩu tấm năng lượng mặt trời và máy giặt trong 3 tháng tính tới ngày 31/7/2018 thấp hơn lần lượt 70,6% và 58,8% so với mức đỉnh đạt được trong 3 tháng tính tới tháng 12/2017.

Dù Trung Quốc là nhà xuất khẩu tấm năng lượng mặt trời lớn nhất của Mỹ, nhưng Hàn Quốc mới là nhà cung cấp máy giặt lớn nhất, nên việc giảm nhập khẩu cả 2 mặt hàng này là một tín hiệu trung lập.

Đối với mặt hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, thiết bị xây dựng, ô tô, ước tính có 1,56 tỷ USD hàng hóa phải chịu thuế nhập khẩu từ mức 3% lên 25%.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đánh thuế lên đậu nành nhập khẩu từ Mỹ với giá trị khoảng 11,3 tỷ USD và các loại thực phẩm khác (3,77 tỷ USD thịt; 2,16 tỷ USD hoa quả).

Mục đích chính của chính quyền Mỹ là giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và về mục tiêu này, chính sách thuế của Tổng thống Trump hầu như không có tác dụng.

Theo số liệu mới nhất, tính tới tháng 6, thâm hụt thương mại của Mỹ đạt 823 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008 và cao hơn 11,8% so với tháng 12/2016, theo Panjiva. Trong đó, gần một nửa thuộc về Trung Quốc, khi thâm hụt thương mại Mỹ - Trung đạt 390,2 tỷ USD.

Thực tế, theo các chuyên gia, chính sách thuế mới của Mỹ có tác động rõ rệt nhất là định hình lại các chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu.

Theo đó, các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc, vốn trong quá trình dịch chuyển cơ sở sang các thị trường mới nổi khác, đang thúc đẩy nhanh hơn quá trình này. Còn tác động trực diện tới nền kinh tế Trung Quốc là không rõ ràng.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư Mỹ cảm thấy bị thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Khoảng 72% các nhà đầu tư tham gia khảo sát của Hãng tư vấn đầu tư Edward Jones cho biết, các chính sách thuế mới tác động tiêu cực tới hoạt động đầu tư của mình.

Như vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ở rất gần điểm khởi đầu trước khi cuộc chiến tranh thương mại diễn ra và các nhà đầu tư là những người đầu tiên cảm nhận những sức ép. Trong thời gian tới, các thành viên thị trường cần thêm các thông tin từ cuộc đối thoại Mỹ - Trung để đưa ra nhận định về diễn biến của cuộc chiến và có sự chuẩn bị cho bản thân mình.

Tin bài liên quan