Covid-19: Những vắc-xin nào hiện đang có triển vọng nhất?

0:00 / 0:00
0:00
Với quy mô của đại dịch SARS-CoV-2 ngày càng tồi tệ hơn qua từng giờ, mọi con mắt đều đổ dồn vào cuộc đua tìm kiếm một vắc-xin Covid-19 hiệu quả.
Covid-19: Những vắc-xin nào hiện đang có triển vọng nhất?

Và không chỉ là một vắc-xin, mà một vắc-xin cuối cùng có thể tiêm chủng cho 7 tỷ người trên hành tinh Trái đất và đưa chúng ta trở lại với cuộc sống "bình thường" như trước.

Vắc-xin hiệu quả cần thành công theo hai cách. "Chúng tôi muốn thấy một đáp ứng miễn dịch bảo vệ người đó khỏi mầm bệnh đó và chúng tôi muốn đáp ứng miễn dịch đó phải lâu dài", TS John Cooke, giám đốc y tế của Chương trình nghiên cứu liệu pháp RNA tại Houston Methodist nói. Lâu dài, như hiện tại, có nghĩa là tối thiểu 6 tháng.

Theo Viện Milken, 199 vắc-xin đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau trên khắp thế giới. Một số ít tỏ ra có triển vọng và đang trong các thử nghiệm giai đoạn sau: Hy vọng chúng sẽ được đưa ra vào một ngày nào đó sớm.

Đại học Oxford

Đại học Oxford có vẻ đang dẫn đầu gói phát triển vắc-xin với vắc-xin vec-tơ adenovirus của mình. Các nhà nghiên cứu sử dụng một adenovirus vô hại (ví dụ có thể gây sụt sịt) và “ghim” vào nó một mảnh của virus gây hại (trong trường hợp này là Covid-19).

Sau khi adenovirus sửa đổi được tiêm vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng với kẻ xâm nhập vô hại, đánh bại nó, và trong quá trình đó, học cách nhận ra virus gây hại. Lúc đó, về mặt lý thuyết, bạn sẽ có các kháng thể có thể loại trừ virus gây hại nếu bạn bị phơi nhiễm.

Đối với vắc-xin adenovirus đặc biệt này, các nhà nghiên cứu Anh đã biến đổi gen của một adenovirus của tinh tinh (gây cảm lạnh) để phát triển protein gai có trên bề mặt SARS-CoV-2.

Về cơ bản protein gai sẽ chọc thủng thành tế bào, cho phép virus xâm nhập và bắt đầu sao chép. Một khi adenovirus được tiêm vào người, hệ thống miễn dịch sẽ học được cách tấn công vào mục tiêu protein gai. Vắc-xin được gọi là ChAdOx1, viết tắt của "Chimpanzee Adenovirus Oxford 1."

Nó có hiệu quả như thế nào?

Thử nghiệm ban đầu trên 1.077 người khỏe mạnh được công bố vào ngày 20 tháng 7 trên tờ The Lancet thấy rằng vắc-xin đã kích hoạt hai phần khác nhau của hệ thống miễn dịch, báo hiệu phản ứng tốt với Covid-19.

Có những nguy cơ gì?

Đây sẽ là vắc-xin véc-tơ adenovirus được phân phối hàng loạt đầu tiên trên thế giới cho người, vì vậy nó chưa được chứng minh trong thế giới thực. Các vắc-xin véc-tơ adenovirus khác cho HIV, cúm, Ebola và sốt rét đang được thử nghiệm; Vắc-xin Ebola đã được sử dụng nhanh chóng bên ngoài bối cảnh thử nghiệm. Mặc dù các vắc-xin adenovirus sử dụng một loại virus yếu, virus đó vẫn hoạt động và có thể gây bệnh ở những người có hệ thống miễn dịch bị trục trặc.

Các vấn đề về sản xuất và tiến trình thời gian

Oxford đã ký hợp đồng với hãng dược phẩm khổng lồ AstraZeneca để sản xuất 400 triệu liều ban đầu, với khả năng sản xuất tổng cộng một tỷ liều. AstraZeneca tuyên bố rằng 400 triệu liều sẽ được phân phối ở châu Âu phi lợi nhuận và sẽ bắt đầu giao hàng vào tháng Chín.

Như với hầu hết các vắc-xin hiện đang được phát triển, các công ty thực sự sản xuất vắc-xin khi họ tạo ra chúng. Điều này là tốt nếu vắc-xin có hiệu quả nhưng sẽ tốn kém cho công ty nếu không hiệu quả. "Vì đại dịch này, chúng tôi không thể làm mọi việc theo trình tự", TS Cooke nói. "Mọi thứ phải được tiến hành đồng thời."

Theo một số ước tính, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể cấp phép sử dụng khẩn cấp ngay sau tháng 10, theo Đại học Cornell. Vắc-xin đang hướng tới các thử nghiệm ở Giai đoạn 3, sẽ thu tuyển 10.000 người tham gia ở Anh, 30.000 ở Mỹ và 2.000 ở Brazil. (Cả ba quốc gia đang bị Covid-19 tấn công mạnh mẽ.) Giai đoạn 3 là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi vắc-xin được tung ra thị trường.

Vắc-xin adenovirus thứ hai

Công ty CanSino Biologics của Trung Quốc đang nghiên cứu một vắc-xin tương tự mang tên Ad5-nCoV, mặc dù vắc-xin này sử dụng một adenovirus cảm lạnh ở người kết hợp với một gen từ protein gai của virus corona mới. Nó còn khá xa, với kết quả thử nghiệm giai đoạn II được công bố trên cùng số báo của tờ The Lancet cho thấy đáp ứng miễn dịch và an toàn tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng adenovirus ở người có thể gây ra vấn đề. Một nửa dân số sẽ nhận ra virus cảm lạnh thông thường và [có thể] tiêu diệt nó trước khi vắc-xin vectơ này có cơ hội phát huy tác dụng.

Moderna

Vắc-xin Moderna mRNA (ARN thông tin) đang bám sát vắc-xin Oxford trong giai đoạn nước rút để về đích. Đây cũng là vắc-xin đầu tiên thuộc loại này trên thế giới. "Đó là một cách tiếp cận hoàn toàn mới, rất thú vị", TS Cooke nói. Vắc-xin này sử dụng ARN thông tin để phát triển protein gai của virus corona mới (mRNA mang theo hướng dẫn xây dựng cho các tế bào, tương tự như ADN). "Bạn chỉ đang cung cấp các hướng dẫn mà tế bào sẽ tạo ra protein", TS Cooke giải thích.

Nó có hiệu quả như thế nào?

Vắc-xin Moderna, được gọi là mRNA-1273, lần đầu tiên được nói đến vào tháng 3 khi nó được thử nghiệm trên 45 tình nguyện viên. Kết quả thử nghiệm giai đoạn I được công bố vào ngày 14 tháng 6 trên Tạp chí New England Journal of Medicine. Giống như vắc-xin Oxford, vắc-xin Moderna đã tạo ra đáp ứng miễn dịch đáng hy vọng.

Có những nguy cơ gì?

Đây sẽ là vắc-xin mRNA đầu tiên, là mối lo ngại đối với một số người. "Chưa từng có một vắc-xin ARN nào được phê duyệt", TS Cooke nói. "Điều đáng nói là, tất cả các nghiên cứu trên động vật đã được thực hiện và bây giờ các thử nghiệm lâm sàng sớm cho thấy nó có thể hiệu quả." Vắc-xin cũng gây ra tác dụng phụ. Hơn một nửa số tình nguyện viên gặp tình trạng mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ cũng như đau tại chỗ tiêm. Vắc-xin cần hai liều và tác dụng phụ rõ ràng hơn sau liều thứ hai.

Những vấn đề sản xuất và tiến trình thời gian

"Vắc-xin RNA có thể được sản xuất rất nhanh", TS Cooke nói. "Moderna đã chế tạo vắc-xin của họ và đưa nó vào thử nghiệm lâm sàng 42 ngày sau khi mã di truyền của SARS-CoV-2 được công bố vào tháng 1." Vào cuối tháng 7, công ty đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3.

Những người tình nguyện sẽ được tiêm một giả dược và sau đó tiêm vắc-xin, những người tham gia sẽ được theo dõi các tác dụng phụ và xem liệu họ có tạo ra kháng thể hay không. Câu hỏi thực sự là có ai trong số họ bị nhiễm Covid-19 không.

Bất kỳ người tham gia nào có triệu chứng Covid-19 sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 và tất cả những người tham gia sẽ được yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị lây nhiễm. Moderna cho biết họ sẽ có thể sản xuất và cung cấp khoảng 500 triệu liều mỗi năm, có thể lên tới một tỷ, bắt đầu từ năm 2021.

Sinovac

Các nhà phát triển vắc-xin cũng đang dựa vào các phương pháp chế tạo vắc-xin truyền thống hơn. TS Cooke giải thích: "Điều này sẽ tạo ra một dạng yếu của mầm bệnh". Tương tự như vắc-xin adenovirus đang được phát triển, cách làm này kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh kháng thể để gắn vào virus. Đôi khi các vắc-xin sử dụng virus chết. Một công ty Trung Quốc là Sinovac đang sử dụng phương pháp này trong sản phẩm thử nghiệm của mình, CoronaVac, và dường như là người dẫn đầu, theo Đại học Cornell.

Nó có hiệu quả như thế nào?

Một tuyên bố của công ty ngày 13 tháng 6 nói đơn giản rằng 90% những người tham gia thử nghiệm Giai đoạn 1/2 có phản ứng kháng thể và vắc-xin không có tác dụng phụ đáng kể. Vắc-xin trước đây đã có hiệu quả ở loài gặm nhấm và linh trưởng không phải người, theo một bài báo được công bố trên Science.

Có những nguy cơ gì?

Giống như vắc-xin adenovirus, vắc-xin sử dụng các hạt virus yếu có thể gây bệnh ở những người dễ bị tổn thương.

Những vấn đề về sản xuất và tiến trình thời gian

Vắc-xin truyền thống sử dụng virus đã được làm yếu sẽ phải mất rất nhiều thời gian để sản xuất, ngay cả khi được chứng minh là có hiệu quả nó cũng sẽ không phải là sản phẩm đầu tiên trên thị trường.

Inovio

Không giống như vắc-xin mRNA, vắc-xin DNA của Inovio bao gồm cung cấp cho tế bào những hướng dẫn để sản sinh protein SARS-CoV-2. Với những hướng dẫn phù hợp, các tế bào sau đó có thể tự sản sinh protein, nhờ đó tạo ra đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, thay vì sử dụng mRNA, vắc-xin sử dụng DNA thực. Đây cũng là một công nghệ hoàn toàn mới, mặc dù Inovio đã nghiên cứu một vắc-xin tương tự cho Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), một loại virus corona khác đã bùng phát ở Ả Rập Xê-út vào năm 2012.

Nó có hiệu quả như thế nào?

Vào cuối tháng 6, công ty đã báo cáo rằng 94% (34 trong số 36) tình nguyện viên trong thử nghiệm Giai đoạn 1 đã tạo ra đáp ứng miễn dịch với vắc-xin, được gọi là INO-4800. Vắc-xin cũng có vẻ an toàn với tác dụng phụ tối thiểu. Không rõ số liệu này đã được bình duyệt chưa.

Có những nguy cơ gì?

Công nghệ này chưa được chứng minh, và giống như Moderna, Inovio chưa bao giờ phát triển một sản phẩm được phê duyệt, Đại học Cornell nói.

Những vấn đề sản xuất và tiến trình thời gian

Inovio cho biết họ có kế hoạch bắt đầu giai đoạn thử nghiệm 2/3 vào mùa hè này. Vắc-xin DNA (có một số loại khác đang được phát triển) sẽ đổi huwowngd khá nhanh.

Khi nào chúng ta sẽ nhìn thấy vắc-xin?

Tất cả các vắc-xin dự tuyển đều phải đối mặt với cùng một vấn đề: có thể sản xuất đủ vắc-xin cho toàn thế giới hay không. Các kế hoạch sản xuất hiện tại đều nhỏ hơn nhiều so với quy mô cần thiết để sản xuất vắc-xin cho một đại dịch. Điều đó có nghĩa là các cơ sở hoàn toàn mới sẽ phải được xây dựng từ đầu. Một số, cụ thể là Moderna và Đại học Oxford, đang tiến xa hơn những người khác trên nhiều mặt trận.

Các nghiên cứu sẽ có khoảng 6 tháng theo dõi, vì vậy tôi nghĩ rằng số liệu về hiệu quả có thể được công bố sớm nhất vào cuối năm nay. Sau đó, còn có quá trình phê duyệt, mặc dù FDA được dự đoán sẽ làm điều đó ngay lập tức nếu kết quả rõ ràng.

Tin bài liên quan