Người dân thư giãn gần cảng Wellington, New Zealand. Ảnh: Guardian.

Người dân thư giãn gần cảng Wellington, New Zealand. Ảnh: Guardian.

Công ty New Zealand thử làm 4 ngày, nghỉ ba ngày một tuần

Sau khi áp dụng chế độ làm việc mới, nhân viên tại công ty New Zealand ít chuyện phiếm hơn và tập trung vào công việc hơn.

Cuối tuần đầu tiên được nghỉ ba ngày, Kirsten Taylor cảm thấy như một "tỷ phú thời gian". Không biết làm gì với thời gian rảnh rỗi, Taylor quyết định mở chiến dịch tổng vệ sinh nhà cửa: giặt quần áo, dọn vườn, lau cửa sổ và cắt cỏ,Guardian đưa tin. 

Dù thừa nhận được nghỉ cuối tuần dài hơn đồng nghĩa có nhiều thời gian chăm sóc cậu con trai 21 tháng tuổi, Taylor vẫn cảm thấy bứt rứt và bồn chồn. "Đến ngày nghỉ thứ ba, tôi cảm thấy thực sự khó chịu", Taylor cười to nói.

"Tôi chưa quen với thời gian biểu mới. Tôi chỉ lo là không khéo còn lâu mới được nghỉ nhiều như thế này nữa nên tốt nhất là phải tận dụng triệt để. Và đúng là đó là một ngày làm việc nhà năng suất".

Taylor là một trong số hơn 200 nhân viên của công tài chính ủy thác Perpetual Guardian ở New Zealand. Vào đầu tháng ba, công ty này bắt đầu chạy thử nghiệm chế độ làm việc mới trong vòng hai tháng- làm 4 ngày, hưởng lương 5 ngày và nghỉ ba ngày cuối tuần.

Sau khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc, công ty sẽ thu thập số liệu về năng suất làm việc và phân tích. Nếu kết quả khả quan, chế độ làm việc mới sẽ chính thức được áp dụng vào tháng 7.

Trung bình mỗi năm, một người lao động New Zealand làm việc 1.752 giờ, tương đương số giờ làm việc trung bình của khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) nhưng vẫn nhiều hơn Đức, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan. Luxembourg là quốc gia năng suất nhất thế giới mặc dù người lao động chỉ làm việc 29 giờ mỗi tuần. 

Christine Brotherton, giám đốc nhân sự của Perpetual Guardian, cho biết nhiều nhân viên tận dụng ngày nghỉ thêm vào dịp cuối tuần để tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống như chạy đường trường, dành thời gian đi khám răng, bảo dưỡng xe cộ hoặc đi mua sắm cùng cha mẹ già, làm những việc mà họ thường phải trì hoãn do bận bịu. 

"Họ suy nghĩ rất kỹ về cách tận dụng triệt để ngày nghỉ thứ ba để thay đổi lối sống.

Và một số quay trở lại làm việc với năng lượng tuyệt vời", bà Brotherton nói đồng thời lưu ý một số nhân viên vẫn chưa nhận thức được rằng phải làm việc hiệu quả hơn vào ngày đi làm trở lại nhằm bù đắp cho ngày nghỉ thêm dịp cuối tuần. 

Nhiều nước phương Tây đang điều chỉnh giảm giờ làm cho người lao động nhằm nâng cao năng suất. Một số công ty Thụy Điển đã áp dụng thử chế độ ngày làm việc 6 tiếng trong hai năm qua và kết quả là nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn và số lượng ngày nghỉ ốm giảm 10%.

Hai tập đoàn kiểm toán KPMG và Deloitte cho phép một số nhân viên được làm việc 4 ngày mỗi tuần đi kèm điều kiện cụ thể.

Trong khi đó, "ông lớn" Google để nhân viên tự quyết cách sử dụng 20% lượng thời gian làm việc trong tuần với hy vọng sự tự do sẽ thúc đẩy sáng tạo và đột phá ý tưởng.

Sau một thời gian, Kirsten Taylor bắt đầu quen với chế độ làm việc mới đồng thời nhận thấy không khí làm việc ở văn phòng thay đổi rõ rệt, mọi người ít chuyện phiếm hơn và tập trung vào công việc hơn. "Khi bắt đầu tuần làm việc mới, tôi cảm thấy khỏe hơn hẳn", Taylor chia sẻ. "Giờ mà phải quay trở lại chế độ làm việc cũ, không biết có chịu được không?"

Tin bài liên quan