Công ty Mỹ gặp khó trong cuộc đua đầu tư vào Myanmar

Công ty Mỹ gặp khó trong cuộc đua đầu tư vào Myanmar

(ĐTCK) 2/3 trong số 53 triệu dân Myanmar sống tại các khu vực ngoại ô, rất nhiều nơi chưa được cung cấp điện, nước sạch. GDP bình quân đầu người hàng năm tại đây đạt 1.200 USD. 

Báo cáo được công bố vào 31/5 của Viện nghiên cứu RHB (Malaysia) nhận định: “Myanmar là một trong số ít những nền kinh tế vẫn trong tình trạng chưa được khai thác trên thế giới”.

Tình trạng này có lẽ sẽ sớm thay đổi, bởi sau nhiều thập kỷ nằm dưới quyền điều hành của quân đội, Myanmar cuối cùng đã có một chính phủ do dân bầu cử. Người lãnh đạo Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, bà Aung San Kyi tuy không thể trở thành tổng thống do quy định của pháp luật, nhưng đã nắm giữ vị trí đứng đầu của 4 bộ, bao gồm bộ ngoại giao, giáo dục, năng lượng và văn phòng tổng thống. Người đồng sự của bà, ông Htin Kyaw trở thành Tổng thống Myanmar. 

Cuộc đổ bộ của các quốc gia châu Á

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm nay và 8,3% trong năm 2017, biến Myanmar trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này ghi nhận mức kỷ lục 9,48 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2016. Đa phần số tiền đầu tư này tới từ các nước châu Á.

Theo đó, Công ty JGC (Nhật Bản), Yongnam Holdings và Changi Airport của Singapore là 3 trong số nhiều tập đoàn tài chính trong tháng 1/2016 đã ký thỏa thuận xây dựng sân bay Yangon trị giá 1,5 tỷ USD vào tháng 1/2016, tại thành phố lớn nhất Myanmar.

Công ty phát triển bất động sản Việt Nam Hoàng Anh Gia Lai trong tháng 3 đã bắt đầu việc xây dựng khu văn phòng và căn hộ cho thuê trị giá 230 triệu USD tại Yangon, sau khi mở cửa khai thác khu văn phòng phức hợp và khách sạn trị giá 440 triệu USD vào năm ngoái.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết sẽ dành 100 tỷ yên (935 triệu USD) cho những khoản vay phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng tại Myanmar.

Theo nhận định của các chuyên gia, nền kinh tế Myanmar đang đón nhận sự quan tâm rất lớn từ giới đầu tư toàn cầu, đặc biệt là từ các quốc gia tại châu Á.

Lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Myanmar chiếm 1/3 tất cả các khoản đầu tư nước ngoài vào quốc gia này. Trong đó, đầu năm nay, Woodside Petroleum của Australia thông báo sẽ bắt đầu thăm dò tại 2 giếng dầu ngoài khơi và Guangdong Zhenrong Energy (Trung Quốc) trong tháng 4 đã được chấp thuận dành 3 tỷ USD xây dựng một khu lọc hóa dầu với năng lực sản xuất 100.000 thùng/ngày. 

Công ty Mỹ gặp khó

Sau khi bà Aung San Kyi đảm nhận vị trí mới, Thủ tướng Barack Obama đã nới lỏng một phần các lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar, vốn được áp đặt từ năm 1990 và cho phép công ty Mỹ hợp tác với các doanh nghiệp địa phương tại quốc gia Đông Nam Á này.

Hiện tại, Coca-Cola và PepsiCo đã sở hữu các nhà máy đóng chai tại Myanmar, trong khi Ford và General Motors đưa các đại lý kinh doanh vào hoạt động. Krispy Kreme Doughnuts tháng 8/2015 thông báo sẽ mở 10 cửa hàng tại Myanmar và hãng đầu tư TPG đã mua một nửa số cổ phiếu của Myanmar Distillery, công ty chuyên bán các nhãn hiệu rượu nổi tiếng. Trong năm ngoái, nhà hàng đồ ăn nhanh đầu tiên của Myanmar đã mở cửa, đó là một cửa hàng của KFC.

Trong tháng 5, Mỹ tiếp tục tuyên bố nới lỏng thêm và gỡ bỏ một số lệnh cấm vận, giúp các công ty Mỹ có thể làm việc với các doanh nghiệp nhà nước vốn nằm trong “danh sách đen” vì có mối liên hệ với chính quyền quân đội cũ, được sử dụng các cảng biển chính và làm việc với các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Myanmar.

“Với việc thay đổi chính sách, các công ty Mỹ kỳ vọng có thể thâm nhập vào các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, khai thác mỏ, điện và bất động sản tại Myanmar. Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn nữa các khoản đầu tư từ Mỹ vào quốc gia này”, Tom Platts, chuyên viên hãng luật Stephenson Harwood (Singapore) cho biết.

Mặc dù vậy, các công ty Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại. Judy Benn, giám đốc khu vực Myanmar tại Phòng Thương mại Mỹ nhận định, các lệnh cấm vận tạo ra những khoảng không không thể chạm đến đối với công ty Mỹ. Theo đó, các công ty Mỹ bị ngăn cản hợp tác với công ty hoặc cá nhân có liên quan tới chính quyền quân đội cũ. Với quy định này, tới 75% nền kinh tế Myanmar nằm ngoài tầm với của các công ty Mỹ.

Vào ngày 22/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp gỡ bà Aung San Kyi tại thủ đô Myanmar. Tại đây, ông John Kerry cho biết, việc tiếp tục nới lỏng các lệnh cấm vận sẽ phụ thuộc vào tiến trình dân chủ tại Myanmar. Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Aung San Suu Kyi cho biết: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng, tất cả các lệnh cấm vận sẽ được gỡ bỏ vào thời điểm phù hợp”. Đây có lẽ là mong muốn lớn đối với cả các công ty Mỹ và các doanh nghiệp Myanmar.

Tin bài liên quan