Cổ phiếu Facebook lao dốc

Cổ phiếu Facebook lao dốc

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới do đà sụt giảm mạnh của cổ phiếu Facebook lây lan sang nhóm cổ phiếu công nghệ khác.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, cổ phiếu Facebook giảm 6,8% khi Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg phải đối mặt với những lời kêu gọi từ cả hai nhà lập pháp Mỹ và châu Âu để giải thích cách thức một công ty tư vấn làm việc cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã tiếp cận được dữ liệu trên 50 triệu người sử dụng Facebook.

Mức giảm trong ngày thứ Hai là mức giảm tồi tệ nhất của cổ phiếu Facebook kể từ tháng 3/2014.

Sự sụt giảm của cổ phiếu Facebook đã lây lan sang các cổ phiếu công nghệ khác như Apple giảm 1,53%, Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm 3% và Microsoft giảm 1,8%.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ khiến các chỉ số chính của phố Wall có phiên lao dốc, trong đó S&P 500 và Nasdaq giảm có phiên giảm tồi tệ nhất kể từ 8/2.

Các nhà đầu tư cũng thận trọng trước cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này với dự báo rằng, cơ quan này sẽ lãi suất trong cuộc họp này.

Kết thúc phiên 19/3, chỉ số Dow Jones giảm 335,6 điểm (-1,35%), xuống 24.610,91 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 39,09 điểm (-1,42%), xuống 2.712,92 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 137,74 (-1,84%), xuống 7.344,24 điểm.

Không chỉ chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm mạnh trong ngày giao dịch đầu tuần mới cũng do đà bán tháo của một cổ phiếu công nghệ lây lan sang các mã khác. Cụ thể, cổ phiếu của Micro Focus giảm tới 46% xuống mức thấp nhất 3 năm sau khi cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm và Giám đốc điều hành nghỉ việc. Bên cạnh đó, nỗi lo về chiến tranh thương mại và tăng lãi suất cũng khiến giới đầu tư thận trọng.

Kết thúc phiên 19/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 121,21 điểm (-1,69%), xuống 7.042,93 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 172,56 điểm (-1,39%), xuống 12.217,02 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 59,90 điểm (-1,13%), xuống 5.222,84 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe xuống mức thấp nhất kể từ ngày nhậm chức 2012 liên quan đến nghi vấn vợ ông mua đất công giá rẻ khiến chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm khá mạnh, xuống mức thấp nhất 1 tuần. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục có được mức tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 19/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 195,61 điểm (-0,90%), xuống 21.480,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 11,79 điểm (+0,04%), lên 31.513,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,37 điểm (+0,29%), lên 3.279,25 điểm.

Dù cũng ảnh hưởng bởi khả năng Fed tăng lãi suất, nhưng việc đồng USD quay đầu giảm sau khi lên mức cao nhất hơn 2 tuần giúp giá vàng hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 19/3, giá vàng giao ngay tăng 3 USD/ounce (+0,23%), lên 1.316,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 3,9 USD/ounce (+0,30%), lên 1.317,8 USD/ounce.

Trong khi đó, sau 3 phiên tăng liên tiếp, giá dầu thô quay đầu giảm nhẹ trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 19/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,28 USD (-0,45%), xuống 62,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,16 USD (-0,24%), xuống 66,05 USD/thùng.

Tin bài liên quan