Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chuyển động ngược trên thị trường vốn quốc tế

(ĐTCK) Dù kế hoạch rút niêm yết của Elon Musk, CEO Tesla đã thất bại, nhưng có một điều không thể phủ nhận, các doanh nghiệp tại thung lũng Silicon nói riêng, cũng như tại nhiều thị trường nói chung đang phai nhạt bớt tình cảm đối với việc đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán. Theo đó, một trong những nguyên nhân chính là việc thị trường tư nhân ngày càng phát triển, với sức hút mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Các tên tuổi lớn từ chối niêm yết

Kế hoạch rút niêm yết của Tesla chỉ là gợn sóng mới nhất trong xu hướng “khước từ” thị trường chứng khoán trong thời gian qua, khi rất nhiều doanh nghiệp tránh né việc niêm yết.

Chẳng hạn, Spotify quyết định không thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), thay vào đó bán vài triệu cổ phiếu trực tiếp cho Sàn Giao dịch chứng khoán New York.

Uber tự IPO theo cách của riêng mình, khi chỉ bán cổ phiếu cho nhóm nhà đầu tư do SoftBank dẫn đầu và thu về 9 tỷ USD năm 2017.

Airbnb, hiện được định giá khoảng 31 tỷ USD, vừa sa thải vị giám đốc tài chính – người có xu hướng thúc đẩy việc thực hiện IPO và đưa ra thông điệp cho biết, “Công ty sẽ quyết định trở thành doanh nghiệp đại chúng niêm yết vào khoảng thời gian phù hợp với kế hoạch của mình”.

Thực tế, kể từ năm 2000, số lượng trung bình các công ty mới quyết định IPO mỗi năm tại Mỹ giảm từ 300 doanh nghiệp/năm, xuống còn khoảng 100 doanh nghiệp/năm.

Lý giải về tình trạng này, Rohit Kulkarni, giám đốc hãng nghiên cứu chứng khoán SharePost cho biết, thị trường chứng khoán đã không còn khả năng cung cấp các giá trị tích cực như trước đây.

Cụ thể, có 4 lý do một doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, đó là khả năng huy động vốn, thanh khoản, gây dựng lòng tin và làm thương hiệu.

Cả 4 thế mạnh này của thị trường chứng khoán đều đang bị giảm sút so với thị trường tư nhân.

Trong bối cảnh thị trường tư nhân ngày càng lớn mạnh, khối lượng vốn cùng chất lượng nhà đầu tư tại thị trường này không ngừng gia tăng.

Đáng chú ý, các quỹ lương hưu lớn, các tổ chức tài chính uy tín như Fidelity và Morgan Stanley sẵn sàng đổ hàng tỷ USD vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt hiện đang gọi vốn tại thị trường này.

Về vấn đề thanh khoản, gây dựng uy tín và làm thương hiệu, các doanh nghiệp tại thung lũng Silicon cũng không cần dựa vào các sàn chứng khoán.

Khách hàng biết tới tên tuổi của những công ty như Lyft, Uber, Spotify, SoFi, Palantir và rất nhiều thương hiệu khác trên các trang mạng xã hội, báo chí, các kênh truyền thông đa phương tiện mỗi ngày.

Đáng chú ý, người tiêu dùng tỏ ra sẵn sàng, thoải mái sử dụng dịch vụ, sản phẩm của các doanh nghiệp mới, công ty khởi nghiệp và không ít nhà đầu tư cũng sẵn lòng đổ tiền vào những dự án này. 

Bức tranh toàn cầu

Báo cáo thị trường tư nhân toàn cầu 2018 của McKinsey thể hiện rõ sự trỗi dậy ngày càng lớn mạnh của dòng vốn và nhà đầu tư tại thị trường này.

2017 được xem là một năm thành công của thị trường chứng khoán toàn cầu, với đại diện là chỉ số S&P 500 tăng hơn 20% và nhiều chỉ số khác cũng có màn biểu diễn ấn tượng, tuy nhiên, đây cũng là một năm đáng nhớ đối với thị trường tư nhân, khi sự tự tin của nhà đầu tư tại sân chơi này được khẳng định.

Năm 2017, các nhà quản lý tài sản đã huy động được số vốn 750 tỷ USD trên toàn cầu, gần bằng mức kỷ lục đạt được cách đó 8 năm.

Hiện tại, quỹ lương hưu vẫn là các tay chơi lớn tại thị trường vốn tư nhân, tuy nhiên, các quỹ quản lý tài sản của các quốc gia trên toàn cầu (SWFs) cũng đang thể hiện sự quan tâm lớn hơn trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường tư nhân, khi gia tăng việc đầu tư trực tiếp và hợp tác đầu tư.

Đáng chú ý, các quỹ lớn (quản lý lượng tài sản giá trị hơn 5 tỷ USD), hoạt động mạnh mẽ hơn tại thị trường này.

Theo đó, năm 2017, thị phần vốn mới huy động được của các quỹ nhỏ (quản lý tài sản chưa tới 500 triệu USD) chỉ còn 20%, so với mức 36% năm 2010. Trong khi đó, thị phần vốn huy động được của các quỹ lớn tăng lên mức 30% năm 2017, so với chỉ 7% năm 2010.

Theo khảo sát của McKinsey, 90% các quỹ lương hưu được hỏi nhận định rằng, các quỹ cổ phần riêng (private equity fund), loại hình doanh nghiệp nhận vốn để đầu tư vào các tài sản tư nhân lớn nhất, sẽ tiếp tục có màn biểu diễn vượt trội so với thị trường niêm yết.

Thực tế, các dòng tiền vẫn đang chảy vào thị trường tư nhân, tạo nên sức mạnh rất lớn cho các quỹ đầu tư. Cụ thể, lượng tài sản dưới sự quản lý của các quỹ đầu tư tại thị trường này đã vượt qua con số 5 nghìn tỷ USD năm 2017, tăng 8% so với năm trước đó.

Tất nhiên, thị trường vốn tư nhân vẫn phải đối diện với những con gió trái chiều.

Năm 2017, số lượng các thương vụ đầu tư trên toàn cầu tại thị trường này giảm 8% so với năm trước đó, đánh dấu năm giảm thứ hai liên tiếp.

Tất cả các khu vực đều chứng kiến diễn biến đi xuống này dù có đôi chút khác biệt.

Tại Mỹ, số lượng các thương vụ giảm khoảng 6% so với năm trước, nối tiếp đà đi xuống đã bắt đầu từ năm 2015. Châu Phi và Mỹ La-tinh chứng kiến mức giảm mạnh nhất lên tới 14%, trong khi con số này tại châu Âu và châu Á lần lượt là 11% và 4%.

Việc số lượng các thương vụ giảm xuống vì một vài lý do. Thứ nhất, kích cỡ của các thương vụ tăng lên, với việc các quỹ đầu tư lớn đổ vốn mạnh tay hơn vào các dự án có tiềm năng.

Thứ hai, các thương vụ mục tiêu trở nên ít ỏi hơn, khi các quỹ đầu tư trở nên kén chọn hơn và chỉ theo đuổi những dự án mà họ tự tin sẽ mang lại kết quả tốt.

Đây được xem là sự rút kinh nghiệm từ giai đoạn đầu tư dàn trải trước đó, khiến không ít hoạt động đầu tư đối diện rủi ro vì doanh nghiệp nhận vốn không thể phát triển tương xứng với tiềm năng.

Thực tế, dù số lượng thương vụ giảm, nhưng kích cỡ các vụ đầu tư tăng nên nhìn chung, quy mô trung bình của các thương vụ đầu tư năm 2017 vẫn tăng 25% so với năm trước đó.

Thị trường vốn tư nhân đang phát triển theo chiều hướng tích cực, với việc quy tụ nhiều nhà đầu tư lớn, uy tín, theo đuổi chiến lược đầu tư dài hạn. Các yếu tố này tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty khởi nghiệp đang có nhu cầu huy động vốn.

Tin bài liên quan