Phố Wall giảm điểm ngay phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Phố Wall giảm điểm ngay phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Chứng khoán và vàng rủ nhau lao dốc

(ĐTCK) Cả chứng khoán và giá vàng đều có phiên giảm mạnh đầu tuần. Trong khi giới đầu tư chứng khoán lo ngại về tình hình Ukraine, thì vàng giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần do lực bán kỹ thuật trước bối cảnh không có thông tin nào đủ mạnh hỗ trợ.

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ phiên đầu tuần khi giới đầu tư lo ngại về tình hình căng thẳng ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế.

Trong một động thái mới nhất, Ukraine đã rút toàn bộ quân đội khỏi Crưm sau khi căn cứ quân đội cuối cùng của Ukraine bị lực lược dân phòng Crưm chiếm giữ. Sau căn cứ quân đội cuối cùng của Ukrane tại Crưm bị chiếm giữ, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya lên tiếng cảnh báo, nguy cơ xảy ra giữa Ukraine và Nga ngày một gia tăng.

Lo ngại này của ông Deshchytsya được củng cố thêm khi một Tư lệnh của NATO cho biết, Nga đang dàn quân lớn sát biên giới phía Đông của Ukraine, tuy nhiên, Nga đã bác bỏ thông tin này.

Sau khi đưa ra các biện pháp trừng phạt với các chính trị gia và doanh nhân thân cận với Tổng thống Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc họp với các đồng minh để bàn về các biện pháp trừng phạt mới với Nga, được xem là biện pháp trừng phạt nặng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Những động thái này không chỉ ảnh hưởng chỉ mỗi tới Nga, mà còn ảnh hưởng tới các nước trừng phạt như Mỹ  và đặc biệt là EU. Vì vậy, họ có lý do để lo ngại và nhanh tay bán ra trên thị trường chứng khoán, khiến Phố Wall bị nhuộm đỏ trong phiên đầu tuần. Trong đó, chỉ số Nasdaq giảm mạnh và xuống dưới đường trung bình 50 ngày báo hiếu xu hướng giảm ngắn hạn, trong khi Dow Jones được hãm lại nhờ cổ phiếu P&G khi cổ phiếu tiêu dùng này tăng 1,8% do nhà đầu tư lựa chọn để phòng thủ.

Kết thúc phiên 24/3, chỉ số Dow Jones giảm 26,08 điểm (-0,16%), xuống 16.276,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,08 điểm (-0,49%), xuống 1.857,44 điểm. Nasdaq giảm 50,40 điểm (-1,18%), xuống 4.226,39 điểm.

Một thông tin kinh tế quan trọng khác của Mỹ là hoạt động sản xuất trong tháng 3 đã chậm lại sau khi tăng mạnh nhất trong 4 năm trong tháng 2. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tháng 3 của Mỹ giảm xuống 55,5 so với mức 57,1 của tháng 2. Tuy nhiên, mức trên 50 cho thấy vẫn có tăng trưởng và tốc độ tuyển dụng vẫn mạnh, cho thấy kinh tế Mỹ vẫn phát đi tín hiệu tốt.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, đà giảm của các chỉ số mạnh hơn rất nhiều khi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga ảnh hưởng tới các nền kinh tế châu Âu là mạnh hơn nhiều so với Mỹ. Châu Âu cũng có nhiều doanh nghiệp đầu tư, xuất khẩu sang Nga, nên các biện pháp trừng phạt qua lại giữa phương Tây và Nga sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp này, khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp giảm mạnh, tác động tiêu cực đến thị trường chung.

Bên cạnh đó, dấu hiệu chậm lại của kinh tế Trung Quốc cũng ảnh hưởng khá mạnh tới các doanh nghiệp xuất khẩu, khai mỏ và hàng xa xỉ của châu Âu, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng này.

Kết thúc phiên 24/3, chỉ số FTSE tại Anh giảm 36,78 điểm (-0,56%), xuống 6.520,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 154,17 điểm (-1,65%), xuống 9.188,77 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 58,94 điểm (-1,36%), xuống 4.276,34 điểm.

Về thông tin kinh tế của khu vực, chỉ số PMI của khu vực này đứng ở mức 53,2, thấp hơn chút ít so với kỳ vọng 53,3 và cũng là mức của tháng 2. Điều này cho thấy, sản xuất khu vực châu Âu vẫn có tăng trưởng.

Chứng khoán châu Á có tăng điểm ấn tượng đầu tuần mới, trong đó, chứng khoán Nhật Bản đã phục hồi trở lại từ mức thấp nhất 6 tuần và lấy lại được những gì đã mất trong phiên thứ Năm tuần trước (chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày thứ Sáu). Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh bất chấp thông tin kinh tế mới vừa được đưa ra cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chậm lại. Theo đó, chỉ số PMI của Trung Quốc vừa được HSBC công bố giảm xuống 48,1 trong tháng 3, từ mức 48,5 trong tháng 2, mức thấp nhất trong 8 tháng. Chỉ số này dưới 50 cho thấy sản xuất đang sụt giảm.

Tuy nhiên, giới đầu tư tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông vẫn kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng nhanh sau thông điệp sẽ kích thích kinh tế của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu hôm thứ Năm tuần trước.

Kết thúc phiên 24/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 251,07 điểm (+1,77%), lên 14.475,30 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 409,75 điểm (+1,91%), lên 21.846,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 18,66 điểm (+0,91%), lên 2.066,28 điểm.

Trên thị trường vàng, bất chấp những thông tin bất ổn từ Ukraine và căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây, giá kim loại quý này vẫn giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới.

Chính lực bán kỹ thuật trong bối cảnh không có thông tin nào đủ mạnh hỗ trợ cho giá vàng đã khiến giá kim loại quý này giảm mạnh và xuống mức thấp nhất 4 tuần trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 24/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 25,10 USD (-1,88%), xuống 1.309,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 24,8 USD (-1,86%), xuống 1.311,2 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu lại có sự trái chiều, nhưng mức biến động là không đáng kể. Kết thúc phiên 24/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,14 USD (+0,14%), lên 99,60 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,11 (-0,10%), xuống 106,81 USD/thùng.

Tin bài liên quan