Chứng khoán toàn cầu tăng, Trung Quốc không vui nổi!

Chứng khoán toàn cầu tăng, Trung Quốc không vui nổi!

(ĐTCK) Mặc dù hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu đang trong đà tăng, giới đầu tư tại Trung Quốc vẫn không thể vui mừng, bởi thị trường tài chính của quốc gia này ngày càng bộc lộ những dấu hiệu u ám.

Chứng khoán lao dốc

Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 4,6% trong tuần qua, trở thành chỉ số có màn biểu diễn tệ nhất trong số 93 chỉ số chứng khoán toàn cầu được theo dõi bởi Bloomberg và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.

Không riêng gì thị trường chứng khoán, đồng nhân dân tệ hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014 so với các đồng tiền trong rổ tiền tệ, trong khi lãi suất trái phiếu đã tăng 10 ngày trong số 12 ngày qua.

Mối lo ngại về các khoản nợ xấu không ngừng gia tăng, trong khi giới đầu tư vẫn phải đoán già đoán non về việc liệu có thêm các biện pháp nới lỏng khác nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, theo Dai Ming, Giám đốc Quản lý quỹ Hengsheng Asset Management Co tại Thượng Hải. Việc chỉ số Shanghai Composite giảm tới 4,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (20/4) đã khiến không ít nhà đầu tư “đau tim”, bởi nó gợi nhắc tới cơn chấn động vào tháng 1/2016, khi chỉ số này giảm tới 23% trong tháng.

“Giới đầu từ đang rất nghi ngại và đây là điều tốt cho quyết định đầu tư vào thời điểm này”, Hao Hong, chiến lược gia tại Bocom International Holdings Co (Hồng Kông) nói.

Trước đó ít ngày, giới đầu tư quốc tế thở phào khi các số liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố thể hiện các dấu hiệu tăng trưởng tích cực, nhưng ngay sau đó, những biến động trên thị trường chứng khoán đã lại nổi sóng lo ngại. 

Các khoản nợ mới

Câu hỏi được đặt ra hiện tại là giới chức Trung Quốc đủ sức bơm tiền vào nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng được bao lâu? Các khoản vay mới tại Trung Quốc đã đạt mức đỉnh 1.000 tỷ USD trong quý I/2016. Điều này phần nào giúp tăng trưởng GDP quý I đạt mức 6,7%, dù đây vẫn là mức thấp nhất trong 7 năm qua. Càng nhiều tiền được bơm vào thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản, mối lo ngại bong bóng càng trầm trọng.

Tý phú đầu tư George Soros nhận định, việc Trung Quốc bơm tiền vào nền kinh tế gợi nhắc tới hình ảnh nước Mỹ giai đoạn 2007 - 2008, trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Khi đó, hầu hết các khoản vay nợ mới tại Mỹ đều trở thành nợ xấu, nó chỉ giúp các công ty Mỹ tồn tại thoi thóp trước khi phá sản.

Andrew Colquhoun, Giám đốc Tài sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Fitch Ratings cảnh báo, việc Trung Quốc gia tăng các khoản nợ mới đã ở tình trạng không thể chống đỡ được. 

Doanh nghiệp vỡ nợ

Việc vay mượn một cách dễ dàng không những không thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận mà ngược lại, mang tới mối họa về việc các công ty không thể trả được các khoản nợ của mình.

Các tổ chức phát hành trái phiếu địa phương đã phải hủy bỏ kế hoạch trả 78,3 tỷ nhân dân tệ (12,1 tỷ USD) trái phiếu đến hạn riêng trong tháng 4/2016, sau khi ít nhất 7 công ty không thể trả được các khoản nợ trái phiếu đến hạn trong năm nay. Trong khi đó, các chuyên gia đã giảm dự báo lợi nhuận đối với các công ty thuộc chỉ số Shanghai Composite xuống mức thấp nhất kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra.

Việc đồng nhân dân tệ được giữ ổn định so với đồng USD khiến mối lo sợ đồng tiền này mất giá quá nhanh dần phai nhạt, tuy nhiên, điều này khiến đồng tiền của Trung Quốc đang yếu hơn nhiều so với các đồng tiền khác. Tỷ giá chính thức giữa nhân dân tệ và 13 đồng tiền khác đã giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng, khiến giới đầu tư suy đoán rằng, giới chức nước này đang âm thầm hạ giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu.

Tin bài liên quan