Giới phân tích lo ngại các thị trường chứng khoán sẽ giảm kịch sàn nếu không có giải pháp y học đột phá chặn Covid-19. Ảnh: AFP

Giới phân tích lo ngại các thị trường chứng khoán sẽ giảm kịch sàn nếu không có giải pháp y học đột phá chặn Covid-19. Ảnh: AFP

Chứng khoán toàn cầu chìm sâu do dịch Covid-19

Hầu hết các chỉ số lớn trên thị trường chứng khoán châu Á ngụp lặn trong phiên giao dịch đầu tuần 23/3 khi làn sóng các quốc gia “đóng cửa” các hoạt động sản xuất kinh doanh do lo ngại dịch Covid-19 lan rộng thêm.

Chứng khoán giảm sâu

Trước những biến động khó lường của dịch bệnh, hợp đồng tương lai E-Mini S&P 500 mất 5% lúc mở cửa còn hợp đồng tương lai EUROSTOXXX 50 lặn sâu  6,4%.

Trong khi đó, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm sâu tới 3,8%, với chứng khoán New Zealand lao dốc 10% sau khi chính phủ nước này đóng cửa tất cả các hoạt động kinh doanh không cần thiết.

Nhóm cổ phiếu bluechip tại Thượng Hải (Trung Quốc) mất 2,3%, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản ngược sóng khu vực và tăng 0,8% do nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào động thái tăng mua tài sản của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Không có tin vui về diễn biến đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khi số ca tử vong do virus này đã vượt ngưỡng 14.000 người và hơn 300.000 người nhiễm.

Các hãng hàng không tiếp tục hủy các chuyến bay nội địa lẫn quốc tế. Australia và New Zealand khuyến cáo hạn chế đi lại trong nước nếu không cần thiết, còn các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã ngừng các chuyến bay trong hai tuần qua còn Singapore và Đài Loan áp dụng lệnh cấm hành khách nước ngoài quá cảnh.

Gần 1/3 dân số Mỹ được yêu cầu chống dịch tại nhà nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, trong khi Italy ban hành lệnh cấm đi lại trong nước vì số người chết vì Covid-19 tại nước này đã lên tới 5.476 người.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã phê duyệt các đề nghị, biện pháp giảm nhẹ thảm họa dịch bệnh của bang New York và Washington. Trước đó, James Bullard, Chủ tịch chi nhánh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại thành phố St. Louis cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 30% nếu không áp dụng thêm các biện pháp tài khóa.

Giới phân tích đang lo ngại con số thống kê người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ dự kiến công bố ngày mai 24/3 có thể tăng vọt lên 750.000 hoặc hơn một triệu người.

Liên tục chao đảo sau khi Mỹ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người từ châu Âu, chứng khoán Mỹ đến nay đã “bốc hơi” hơn 30% so với mốc kỷ lục thiết lập giữa tháng 2. Ngay cả thị trường được xem là khá an toàn như thị trường trái phiếu cũng đứng trước áp lực thanh khoản khi các quỹ chịu tác động bởi dịch Covid-19 buộc phải bán tháo tài sản để đề phòng tình hình xấu đi.

Tâm lý chờ dịch qua mau

“Có thể mạnh dạn nói rằng chứng khoán sẽ kịch sàn nếu không có giải pháp y học đột phá chặn dịch”, ông Alan Ruskin, trưởng bộ phận chiến lược G10 FX tại tập đoàn ngân hàng tư nhân Deutsche Bank nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, cần đưa ra bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể hồi phục sau đại dịch mà không tái nhiễm và dịch Covid-19 tại các nền kinh tế lớn khác đã đạt đỉnh.

Việc cách ly trên diện rộng để giảm sự lây lan của virus ở ở châu Âu và Mỹ sẽ gây ra thiệt hại lớn đến niềm tin vào một loạt các lĩnh vực quan trọng, ông Ruskin nói.

Những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh và kinh phí chống dịch tăng đã khiến nợ chính phủ của các nước tăng lên đáng kể, nhất là việc các ngân hàng trung ương bơm tiền và tung ra các gói vay hỗ trợ thanh khoản thị trường.

"Lặn sâu" từ mốc kỷ lục 1,28% xuống còn 0,84% trong phiên giao dịch cuối tuần, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tiếp tục giảm còn 0,80%. Tại New Zealand, Ngân hàng Trung ương của nước này tuyên bố mua lại toàn bộ trái phiếu chính phủ nhằm "bơm" thanh khoản cần thiết cho thị trường.

Trên thị trường tiền tệ, diễn biến đáng chú ý trong phiên hôm nay là nhiều đồng tiền mạnh đã suy yếu. Đô la Australia mất giá 0,8% và giao dịch ở mức 1 AUD đổi 0,5749 USD.

Đô la Mỹ mở phiên đứng giá nhưng sau đó cũng suy yếu do cuộc chiến đảng phái tại Mỹ. Thượng viện đã chặn dự luật đối phó với dịch Covid-19 tại Mỹ. Đô la Mỹ trượt giá 0,5% và giao dịch 1 USD đổi 110,23 JPY, trong khi đồng euro trượt giá mạnh và trao tay 1 EUR/1,0707 USD.

Chỉ số đô la Mỹ so với rổ các đồng tiền mạnh vẫn đứng giá ở mức 102,510. Tuần trước, đô la Mỹ tăng giá mạnh khi nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp và quốc gia tuyệt vọng tìm kiếm thêm tiền mặt để trang trải các khoản vay bằng đô la Mỹ.

Các nhà phân tích của tập đoàn Goldman Sachs cho rằng, đô la Mỹ có mạnh lên nữa cũng không giúp ích cho Mỹ hay các nền kinh tế trên thế giới bởi các nhà hoạch định chính sách sẽ tính chuyện can thiệp trực tiếp vào thị trường, bên cạnh việc ngân hàng trung ương tăng mua trái phiếu để cải thiện thanh khoản.

Goldman Sachs kỳ vọng đô la Mỹ sẽ đứng vững cho đến khi các nhà hoạch định chính sách can thiệp thị trường hoặc khi các điều kiện thị trường bắt đầu ổn định.

Đô la Mỹ ổn định khiến giá vàng trượt 0,3% còn 1.493,83 USD/ounce. Sau những giờ mở phiên sụt giảm, giá dầu hôm nay diễn biến trái ngược nhau. Dầu thô Brent giao kỳ hạn trượt giá 69 US cent còn 26,29 USD/thùng, còn giá dầu thô Mỹ tăng 30 US cent lên 22,93 USD/thùng.

Tin bài liên quan