Chứng khoán, giá vàng có quý thăng hoa, dầu thô giảm mạnh

Chứng khoán, giá vàng có quý thăng hoa, dầu thô giảm mạnh

(ĐTCK) Chứng khoán thế giới đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần trước, nhưng với những kỳ vọng về chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, chứng khoán toàn cầu đã có quý I khởi sắc. Giá vàng cũng tăng mạnh trong quý phiên khởi sắc quý này, trong khi giá dầu thô lại giảm mạnh.

Sau 2 phiên tăng liên tiếp, phố Wall đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần qua do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của cổ phiếu Exxon và JPMorgan Chase khi các nhà đầu tư bán mạnh 2 cổ phiếu này và cân nhắc liệu các báo cáo về doanh thu và lợi nhuận cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 có đúng với việc định giá cao của thị trường hay không.

Thông tin đáng chú ý với thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này là số liệu bán hàng tự động, sẽ được công bố ngay ngày đầu tuần. Số liệu quan trọng khác là báo cáo việc làm sẽ có vào ngày cuối tuần.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Dow Jones giảm 65,27 điểm (-0,31%), xuống 20.663,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,34 điểm (-0,23%), xuống 2.362,72 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,61 điểm (-0,04%), xuống 5.911,74 điểm.

Dù có những phiên rung lắc trong tuần do ảnh hưởng từ việc chính sách y tế của ông Trump bị đảng Cộng hòa rút lui, gây lo ngại về những khó khăn với các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ, nhưng những phiên phục hồi mạnh nhờ sự hỗ trợ của các thông tin kinh tế tốt đã giúp phố Wall có được mức tăng nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,32%, chỉ số S&P 500 tăng 0,8% và chỉ số Nasdaq tăng 1,42%.

Tuần hồi phục nhẹ cuối cùng của tháng 3, không cứu Dow Jones khỏi tháng giảm điểm trong tháng 3 với mức giảm nhẹ 0,72%. Chỉ số S&P 500 cũng mất điểm nhẹ 0,04% trong tháng cuối của quý I, trong khi Nasdaq lại tăng tới 1,48%.

Dù giảm nhẹ trong tháng 3, nhưng với những phiên tăng điểm ấn tượng trong 2 tháng trước, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào các chinh sách giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Trump, trong đó các chỉ số, đặc biệt là Dow Jones liên tiếp thiết lập các đỉnh cao lịch sử mới, phố Wall vẫn có mức tăng điểm rất tốt trong quý I. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 4,56%, chỉ số S&P 500 tăng 5,53%, thậm chí chỉ số Nasdaq tăng tới 9,82%.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,60 điểm (-0,63%), xuống 7.322,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 56,44 điểm (+0,46%), lên 12.312,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 32,87 điểm (+0,65%), lên 5.122,51 điểm.

Trong tuần, trong khi chỉ số FTSE 100 giảm nhẹ 0,19%, thì chỉ số DAX tăng 2,06% và CAC 40 cũng tăng 2,02%.

Tuần giảm nhẹ vừa qua chỉ hãm bớt đà tăng của FTSE trong tháng 3, trong khi 2 chỉ số DAX và CAC 40 có tháng tăng điểm rất ấn tượng, cứu luôn cả số điểm của cả quý.

Cụ thể, trong tháng 3, chỉ số FTSE 100 tăng 0,82%, chỉ số DAX tăng 4,04% và CAC 41 tăng tới 5,43%.

Nhờ tháng tăng điểm tốt của tháng 3, chứng khoán châu Âu cũng có quý tăng điểm ấn tượng, trái ngược với sự lao dốc trong quý đầu năm 2016 do ảnh hưởng từ Trung Quốc. Cụ thể, trong quý I, chỉ số FTSE 100 tăng 2,52%, chỉ số DAX tăng tới 7,25% và chỉ số CAC 40 cũng tăng 5,35%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, áp lực bán mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của năm tài chính 2016-2017 đã khiến chỉ số Nikkei 225 giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần trong phiên thứ Sáu (31/3). Áp lực bán mạnh diễn ra ở nhóm cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu khi đồng yên tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Chứng khoán Nhật Bản giảm trong tuần qua do ảnh hưởng từ sự thất bại của chính sách y tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gây lo lắng chính sách kinh tế của ông cũng gặp vấn đề tương tự.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm khá mạnh trong phiên thứ Sáu do thiếu dòng tiền chảy từ đại lục sang do nhà đầu tư thận trọng trước kỳ nghỉ lệ sắp đến. Ngoài ra, áp lực chốt sổ trong ngày cuối năm tài chính cũng khiến chứng khoán Hồng Kông giảm trong phiên cuối tuần.

Sau chuỗi phiên giảm, chứng khoán Trung Quốc đại lục đã hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần qua, nhưng không tránh khỏi tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 12/2016 do lo ngại về tình hình thanh khoản của các ngân hàng khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngừng bơm tiền vào thị trường.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 153,96 điểm (-0,81%), xuống 18.909,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 189,50 điểm (-0,78%), xuống  24.111,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,37 điểm (+0,39%), lên 3.222,60 điểm.

Với nhiều yếu tố tiêu cực tác động, trong tuần qua, cả 3 thị trường chính của khu vực châu Á đều giảm hơn 1%. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,83%, chỉ số Hang Seng giảm 1,01% và chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 1,44%.

Tuần giảm điểm vừa qua đã khiến chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc đại lục đánh mất những điểm số ít ỏi có được trước đó để chính thức có tháng giảm điểm, trong khi chứng khoán Hồng Kông lại có mức tăng tốt. Cụ thể, trong tháng 3, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,10%, chỉ số Hang Seng tăng 1,56% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,59%.

Tháng giảm điểm này đã khiến chứng khoán Nhật Bản ngược chiều với các thị trường chứng khoán trong khu vực và thế giới khi giảm 1,07% trong quý I/2017. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng  tăng tới 9,60% và chỉ số Shanghai Composite cũng tăng 3,84%.

Sau phiên lao dốc hôm thứ Năm, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần để duy trì được đà tăng nhẹ trong tuần qua.

Kết thúc phiên 31/3, giá vàng giao ngay tăng 6,7 USD (+0,54%), lên 1.249,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 2,4 USD (+0,19%), lên 1.247,4 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,51% và giá vàng giao tháng 4 tăng nhẹ 0,33%. Trong tháng 3, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,55%, trong khi giá vàng tương lai lại giảm nhẹ 0,52%. Tuy có những khó khăn trong tháng cuối quý, nhưng với những phiên tăng tốt trong đơc, cả giá vàng giao ngay và tương lai đều có quý tăng giá tốt đầu năm. Cụ thể, trong quý I/2017, giá vàng tăng tới 8,54% và giá vàng tương lai cũng tăng 8,31%.

Những phiên rung lắc của giá vàng trong tuần qua khiến giới chuyên gia có cái nhìn thận trọng hơn về xu hướng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 18 chuyên gia thị trường trả lời, thì có 9 người, chiếm 50% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần này, thấp hơn nhiều con số 65% của tuần trước. Trong khi đó, có 4 người, chiếm 22% dự đoán giá vàng sẽ điều chỉnh và 5 người, chiếm 28% dự đoán giá vàng đi ngang hoặc giữ quan điểm trung lập.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 1.205 lượt độc giả tham gia, trong đó có 723 người, chiếm 60% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần này, thấp hơn con số 70% của tuần trước. 305 lượt độc giả, chiếm 25% cho rằng giá vàng sẽ giảm và 177 người, chiếm 15% giữ quan điểm trung lập.

Sau chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp, giá dầu thô đã tỏ ra đuối sức trong phiên cuối tuần qua khi số lượng giàn khoan của Mỹ tăng lên, cho thấy sản lượng khai thác của nước này sẽ tăng, làm giảm ý nghĩa của việc cắt giảm sản lượng của OPEC.

Kết thúc phiên 31/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,25 USD/thùng (+2,49%), lên 50,06 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,13 USD (-0,25%), xuống 52,83 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng tới 5,15% và dầu thô Brent tăng 3,63%. Dù tăng tốt trong tuần qua, nhưng với những phiên giảm điểm trước đó do lượng hàng tồn kho của Mỹ liên tục tăng cao đã khiến giá dầu thô giảm mạnh trong tháng 3 với mức giảm lần lượt là 6,31% và 4,96%. Đà giảm mạnh trong tháng 3 cũng đã lấy hết những gì đã có được trong 2 tháng đầu năm của giá dầu sau phản ứng tích cực với cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC. Chốt quý I/2017, giá dầu thô Mỹ giảm 5,81% và giá dầu thô Brent cũng mất 5,88%.

Tin bài liên quan