Chứng khoán đồng loạt trở lại sau phiên bán tháo

Chứng khoán đồng loạt trở lại sau phiên bán tháo

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt tăng trở lại trong phiên thứ Năm nhờ nhận được sự hỗ trợ khác nhau sau phiên lao dốc trước áp lực bán tháo vì lo sợ chiến tranh thương mại leo thang hôm thứ Tư.

Sau phiên bán mạnh trước đó do lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang, phố Wall đã đồng loạt hồi phục tích cực trong phiên thứ Năm, đặc biệt là Nasdaq còn lấy lại cả vốn và lãi nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Trong phiên thứ Năm, cổ phiếu của các đại gia công nghệ như Facebook, Amazon, Microsoft đều tăng lên mức cao kỷ lục mới.

Trong khi đó, theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tăng 0,1% so với tháng 5, thấp hơn so với dự báo tăng 0,2%. CPI tính theo năm tăng 2,9%, mức cao nhất trong 6 năm. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa được xem là có vấn đề đối với lạm phát, nên có khả năng giữ Fed thực hiện đúng kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay.

Mua công bố kết quả kinh doanh quý II sẽ bắt đầu từ thứ Sáu này với những “phát súng” đầu tiên đến từ nhóm ngân hàng với tên tuổi lớn là JP Morgan Chase với dự báo kết quả kinh doanh sẽ khả quan.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số Dow Jones tăng 224,44 điểm (+0,91%), lên 24.924,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 24,27 điểm (+0,87%), lên 2.798,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 107,30 điểm (+1,39%), lên 7.823,91 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau phiên bán tháo trước đó, các chỉ số chính trong khu vực cũng đã đồng loạt hồi phục nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu truyền thông với sự dẫn dắt của cổ phiếu Sky sau thông tin về việc hãng Century Century của Rupert Murdoch đưa ra đề nghị mua lại công ty truyền hình trả tiền của Anh này.

Về thông tin kinh tế, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa dự báo tỷ lệ lạm phát khu vực Euro ở mức 1,7% vào năm 2018 và năm 2019, chỉ tăng nhẹ so với dự báo trước đó của họ. Thông tin này cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường, bởi sức ép lạm phát không lớn sẽ giảm khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 59,37 điểm (+0,78%), lên 7.651,33 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 75,84 điểm (+0,61%), lên 12.492,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 51,98 điểm (+0,97%), lên 5.405,90 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường cũng đồng loạt hồi phục trở lại sau phiên bán tháo trước đó do lo ngại về leo thang chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng hơn 1% do đồng yên yếu đi, chứng khoán Trung Quốc tăng tới hơn 2% do lực cung giá thấp cạn kiệt, chứng khoán Hồng Kông hồi khiêm tốn hơn với mức tăng 0,6%. Dù tăng mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng các nhà phân tích cho rằng, đây chỉ là phiên hồi phục kỹ thuật và thị trường vẫn đứng trước rủi ro giảm cao do nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang chưa qua đi.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 255,75 điểm (+1,17%), lên 22.187,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 169,14 điểm (+0,60%), lên 28.480,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 59,89 điểm (+2,16%), lên 2.837,66 điểm.

Cũng giống chứng khoán, sau phiên bị bán tháo hôm thứ Tư do lo ngại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau khi Mỹ dọa đánh thuế tiếp với hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, giá vàng đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm do lực cầu bắt đáy gia tăng sau khi giá kim loại quý này về mức thấp nhất gần 12 tháng.

Kết thúc phiên 12/7, giá vàng giao ngay tăng 5,9 USD (+0,48%), lên 1.246,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 2,2 USD (+0,18%), lên 1.246,6 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, sau phiên lao dốc trước đó với giá dầu thô Brent có phiên giảm mạnh nhất 2 năm, giá nhiên liệu này đã hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm sau khi Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo về khả năng nguồn cung sẽ gián đoạn kéo dài do những tổn thất sản xuất ở nhiều quốc giá, nhất là tại Venezuela. Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ vẫn thiếu chút may mắn khi giảm nhẹ 5cent sau khi đã mất hơn 5% trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 12/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,05 USD (-0,07%), xuống 70,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,05 USD (+1,41%), lên 74,45 USD/thùng.

Tin bài liên quan