Chứng khoán đồng loạt đảo chiều, giá vàng lao dốc

Chứng khoán đồng loạt đảo chiều, giá vàng lao dốc

(ĐTCK) Dù nhóm cổ phiếu công nghệ đã hồi phục trở lại, nhưng chứng khoán đồng loạt quay đầu giảm trong phiên thứ Ba. Trong khi đó, giá vàng có phiên lao dốc mạnh, xuống mức thấp nhất 4 tháng do đồng USD tăng.

Trong phiên thứ Ba, phố Wall đồng loạt giảm điểm với 9/10 chỉ số S&P đóng cửa trong sắc đỏ, chỉ duy nhất chỉ số S&P công nghệ hồi phục nhẹ 0,2% sau phiên lao dốc trước đó.

Trong phiên này đường cong lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức thấp trong một thập niên. Một đường cong năng suất thấp hơn thường là dấu hiệu của những lo lắng về nền kinh tế.

Ngoài ra, trong phiên, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng, cho thấy nhu cầu của thế giới sụt giảm, trong khi đồng là nguyên liệu chính trong sản xuất công nghiệp, cho thấy nền kinh tế thế giới cũng có những mối lo.

Điều này khiến giới đầu tư có lý do để lo lắng, nhất là những lợi ích của việc giảm thuế vẫn chưa thật sự rõ ràng và cũng đã được phản ánh vào thị trường trước đó.

Kết thúc phiên 5/12, chỉ số Dow Jones giảm 109,41 điểm (-0,45%), xuống 24.180,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,87 điểm (-0,37%), xuống 2.629,57 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 13,15 điểm (-0,19%), xuống 6.762,21 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu đồng loạt quay đầu giảm điểm trong phiên thứ Ba dù cổ phiếu của các nhà sản xuất chip đã hồi phục trở lại sau phiên biến động trước đó do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường Mỹ.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm do đà lao dốc của nhóm cổ phiếu khai thác mỏ theo đà giảm của giá kim loại, trong đó giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng.

Nhóm cổ phiếu dược cũng giảm mạnh theo Sanofi khi Philippines yêu cầu hãng dược này ngừng bán vắc xin sốt xuất huyết tại nước này khi cảnh báo rằng một số trường nó có thể làm bệnh nặng hơn.

Kết thúc phiên 5/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,47 điểm (-0,16%), xuống 7.327,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 10,01 điểm (-0,08%), xuống 13.048,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 13,76 điểm (-0,26%), xuống 5.375,53 điểm.

Đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên 4/12 đã khiến nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn trên thị trường chứng khoán Nhật bị ảnh hưởng theo, khiến chỉ số Nikkei 225 tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Ba (5/12). Tuy nhiên, đà giảm được hãm bớt phần nào.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại quay đầu lao dốc sau phiên hồi nhẹ trước đó. Chứng khoán Hồng Kông hồi nhẹ trong phiên hôm trước nhờ cổ phiếu Tencent và cũng do cổ phiếu của đại gia Trung Quốc này quay đầu giảm sâu xuống mức thấp nhất 1 tháng trong phiên thứ Ba, đã kéo chứng khoán Hồng Kông lao dốc theo. Trong phiên, chỉ có nhóm năng lượng tăng nhẹ 0,3%, trong khi ngành IT giảm 3,03%, lĩnh vực tài chính giảm 0,9% và lĩnh vực bất động sản giảm 0,67%.

Tương tự, dù nhận thông tin tích cực về sự tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 3 tháng trong tháng 11, nhưng chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn đóng cửa với mức giảm nhẹ, giống như phiên trước đó.

Kết thúc phiên 5/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 84,78 điểm (-0,37%), xuống 22.622,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 295,48 điểm (-1,01%), xuống 28.842,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,94 điểm (-0,18%), xuống 3.303,68 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi lình xình trong phiên giao dịch chầu Á và châu Âu, giá vàng đã lao mạnh khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, đóng cửa ở mức thấp nhất 4 tháng do đồng USD tăng lên mức cao nhất 2 tuần.

Kết thúc phiên 5/12, giá vàng giao ngay giảm 9,7 USD/ounce (-0,76%), xuống 1.275,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 12,7 USD/ounce (-1,00%), xuống 1.261,6 USD/ounce.

Giá dầu thô hồi phục trở lại sau phiên giảm 2% trước đó nhờ thông tin về nhu cầu trong năm nay mạnh hơn dự báo, cùng với nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và dự báo tồn kho của Mỹ giảm.

Cụ thể, theo dự báo của giới phân tích, tồn kho của Mỹ theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần trước sẽ giảm 3,4 triệu thùng.

Còn theo số liệu vừa công bố của Viện Dầu khí Mỹ (API), tồn kho dầu của Mỹ tuần trước giảm 5,5 triệu thùng, nhiều hơn dự kiến, nhưng kho dự trữ xăng lại tăng 9,2 triệu thùng và kho dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 4,3 triệu thùng.

Bên cạnh đó, theo một cuộc khảo sát của Reuters, OPEC đã chứng tỏ sự tuân thủ mạnh mẽ với cam kết cắt giảm nguồn cung khi sản lượng tháng 11 giảm 300.000 thùng/ngày xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.

Kết thúc phiên 5/12, giá dầu thô Mỹ giảm 0,15 USD (-0,26%), xuống 57,32 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,41 USD (+0,66%), lên 62,86 USD/thùng.

Tin bài liên quan