Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán đảo chiều, dầu tiếp tục tăng vọt

(ĐTCK) Thông tin về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 và áp lực chốt lời khiến chứng toàn cầu đảo chiều giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới, trong khi dầu thô tiếp tục có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp nhờ các thông tin hỗ trợ không thể tốt hơn.

Trong ngày thứ Bảy tuần trước, tại hội nghị ở Jackson Hole, Wyoming, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Stanley Fischer cho biết, lạm phát của Mỹ có khả năng sẽ tăng trở lại khi áp lực từ đồng USD mất dần, cho phép Fed tăng lãi suất từ từ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, phát biểu của Fischer là một dấu hiệu cho thấy, Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 9, thay vì tháng 12.

Chính điều này đã khiến nhà đầu tư lo lắng trở lại sau khi tạm ổn định sau cơn “địa chấn” Trung Quốc tuần trước, đẩy phố Wall giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Dow Jones giảm 114,98 điểm (-0,69%), xuống 16.528,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,69 điểm (-0,84%), xuống 1.972,18 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 51,82 điểm (-1,07%), xuống 4.776,51 điểm.

Với tuần biến động mạnh vừa qua, phố Wall đã có tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2012. Cụ thể, trong tháng 8, Dow Jones giảm 6,57%, chỉ số S&P 500 giảm 6,26%, chỉ số Nasdaq giảm 6,86%.

Cũng giống phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần do ảnh hưởng từ thông tin Fed có khả năng tăng lãi suất trong tháng 9 và những thông tin từ thị trường Trung Quốc.  Đặc biệt, những thông tin bất lợi từ Trung Quốc cũng khiến chứng khoán châu Âu có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số DAX tại Đức giảm 39,07 điểm (-0,38%), xuống 10.259,46 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 22,18 điểm (-0,47%), xuống 4.652,95 điểm. Thị trường chứng khoán Anh nghỉ giao dịch trong phiên thứ Hai.

Trong tháng 8, chỉ số FTSE 100 giảm 6,7%, chỉ số DAX giảm 9,28%, chỉ số CAC40 giảm 8,45%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, hoạt động chốt lời diễn ra trên diện rộng khiến đa số các thị trường đảo chiều giảm trở lại. Những biến động trong tuần qua do ảnh hưởng từ thông tin kinh tế bất ổn từ Trung Quốc cũng khiến chứng khoán Nhật Bản có tháng giảm mạnh nhất trong 1 năm, trong khi chứng khoán Hồng Kông là tháng giảm mạnh nhất trong 4 năm.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 245,84 điểm (-1,29%), xuống 18.890,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 58,19 điểm (+0,27%), lên 21.670,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 26,36 điểm (-0,82%), xuống 3.205,99 điểm.

Trong tháng 8, Nikkei 225 giảm 8,23%, chỉ số Hang Seng giảm 12,04%, chỉ số Shanghai Composite giảm 12,49%.

Giá vàng gần như đi ngang trong suốt phiên giao dịch đầu tuần và đóng cửa gần như không đổi so với giá đóng cửa của phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 31/8, giá vàng giao ngay tăng 0,6 USD (+0,05), lên 1.134,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,8 USD (-0,07%), xuống 1.132,5 USD/ounce. Trong tháng, giá vàng giao ngay tăng 3,58%, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,42%.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng mạnh của mình sau khi số liệu cho thấy, lượng dầu sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm mạnh và OPEC cho biết, họ đã sẵn sàng nói chuyện với các nhà sản xuất khác về sự sụt giảm gần đây của giá dầu. Nhờ 3 phiên tăng mạnh cuối tháng, giá dầu đã có tháng tăng ấn tượng dù phần lớn thời gian trong tháng là giảm giá, thậm chí trước khi bật trở lại nhờ các thông tin hỗ trợ, giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất 6 năm rưỡi.

Kết thúc phiên 31/8, giá dầu thô Mỹ tăng 3,98 USD/thùng (+8,09%), lên 49,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 4,1 USD (+7,57), lên 54,15 USD/thùng. Trong tháng, giá dầu thô Mỹ tăng 4,41%, giá dầu thô Brent tăng 3,72%.

Tin bài liên quan