Chứng khoán châu Âu còn tiểm ẩn những rủi ro từ yếu tố chính trị

Chứng khoán châu Âu còn tiểm ẩn những rủi ro từ yếu tố chính trị

Chứng khoán châu Âu mong manh hồi phục

(ĐTCK) Sau giai đoạn chật vật phục hồi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ khu vực, kinh tế châu Âu cuối cùng cũng đã tiến tới lộ trình mở rộng.

Kể từ đầu năm tới nay, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã trở lại mức đỉnh trước khủng hoảng, nhu cầu nội địa tăng mạnh và thị trường lao động được cải thiện.

Bản thân Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang cố gắng duy trì động lực tăng trưởng kinh tế này, thông qua các kế hoạch tăng cường mua tài sản và cắt giảm lãi suất hồi tháng Ba vừa qua. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán “lục địa già” hiện vẫn trong tình cảnh “ảm đạm” và chỉ có thể mơ về triển vọng “bừng sáng” hơn trong thời gian tới.

Tính tới đầu tháng 5/2016, Chỉ số chứng khoán MSCI của Eurozone đã giảm 3% trong năm nay, so với mức giảm chỉ 0,03% của Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI World Index. Các quỹ đầu tư chứng khoán châu Âu cũng phải đối mặt với nguy cơ dòng vốn ròng chảy ra bên ngoài, sau giai đoạn thu hút đầu tư ổn định kể từ cuối năm 2014. Theo kết quả khảo sát mới công bố của Ngân hàng Credit Suisse, chỉ có dưới 40% nhà đầu tư tin tưởng “lục địa già” sẽ là khu vực có màn trình diễn tốt nhất trong quý III/2016, giảm mạnh so với mức gần 70% của giai đoạn cuối năm 2015.

Điều gì đã tạo ra sự thay đổi này? “Cơn gió ngược” ảnh hưởng tới diện mạo của chứng khoán châu Âu chính là do đồng euro mạnh lên. Trên cơ sở tỷ trọng thương mại, đồng euro đã tăng giá 5% so với năm 2015 và chính sự tăng giá này là lực cản đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp. Các nhà phân tích của Credit Suisse dự đoán, tỷ giá đồng euro có thể còn tăng trong thời gian tới và kéo xu thế suy giảm lợi nhuận này tiếp tục kéo dài.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia châu Âu đang trải qua thời kỳ gián đoạn về công nghệ. Tại Mỹ, các lĩnh vực như dịch vụ, phần mềm và bán lẻ trực tuyến chiếm khoảng 6% tổng vốn hóa thị trường, và các công ty công nghệ cao như Facebook, Google hay Amazon chính là động lực thúc đẩy thị trường công nghệ Mỹ. Trong khi đó, tại châu Âu, phân khúc này chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng vốn hóa thị trường. Sự thiếu hụt các nhân tố gây “đột biến” đã khiến châu Âu không có các đối trọng đủ mạnh để hỗ trợ tổng thể cho nhóm các doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình là trong lĩnh vực bán lẻ, khi Amazon đã giúp ngành bán lẻ của Mỹ vượt mặt gần 20% các đối thủ đến từ Eurozone trong vòng 2 năm qua.

Hay các nhà chế tạo ô tô châu Âu đang phải khó khăn thích ứng với sự gián đoạn công nghệ, bắt nguồn từ sự tăng trưởng thị trường xe điện cũng như các hệ thống chia sẻ ô tô kiểu mới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với họ có thể đến từ Trung Quốc, nơi thị phần đang bị đe dọa nghiêm trọng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu ô tô nội địa, cũng như phân khúc thị trường xe hơi “second hand” đang có xu hướng mở rộng.

Chưa hết, chứng khoán châu Âu còn tiềm ẩn những rủi ro từ yếu tố chính trị, những thách thức hậu cần từ cuộc khủng hoảng người di cư, sự nổi lên của các lực lượng chống Liên minh châu Âu (EU), hay sự bất định tiếp diễn về các giải pháp cứu cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Tuy nhiên, đó là những hạn chế tiêu cực trong ngắn hạn, còn dài hạn, chứng khoán châu Âu vẫn có thể kỳ vọng vào những nhân tố “bừng sáng”. Sản lượng công nghiệp toàn cầu đã sụt giảm trong năm nay, song Credit Suisse dự đoán, chứng khoán châu Âu sẽ có màn “trình diễn” tốt khi hoạt động chế tạo trên toàn cầu được cải thiện.

Trong nhóm cổ phiếu châu Âu, khu vực ngân hàng là một “nỗi đau” thực sự. Khu vực tài chính châu Âu là một trong những “điểm đen” nhất trên toàn cầu những tháng gần đây và rủi ro tài chính đối với châu Âu vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, các chuyên gia Credit Suisse tin rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ phục hồi khi sự hồi sinh kinh tế của khu vực tiếp diễn.

Sự suy yếu của các thị trường đang phát triển cũng là “cơn gió ngược” đối với cổ phiếu và các doanh nghiệp châu Âu. Xuất khẩu tới các thị trường đang phát triển chiếm 18% doanh thu của các công ty trong nhóm Chỉ số Euro Stoxx 50, trong khi xuất khẩu tới các nền kinh tế đang phát triển chiếm gần 12% tổng GDP của Eurozone, so với chỉ dưới 8% của Mỹ. Điều này cho thấy, châu Âu phụ thuộc vào các nền kinh tế đang phát triển nhiều hơn so với Mỹ.

Vậy giới đầu tư có nên lạc quan tìm kiếm cơ hội từ chứng khoán châu Âu? Ngân hàng Credit Suisse kết luận, cơ hội để chứng khoán châu Âu bứt phá sau giai đoạn sụt giảm sâu hồi đầu năm là có cơ sở, từ những thị trường chứng khoán trung tâm như Đức và Tây Ban Nha, hay những thị trường ngoại biên như Bồ Đào Nha.

Tin bài liên quan