Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chiều nay 17/3 bơi lại vùng tích cực khi nhích lên 0,68%. Ảnh: AFP

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chiều nay 17/3 bơi lại vùng tích cực khi nhích lên 0,68%. Ảnh: AFP

Chứng khoán châu Á chông chênh, S&P/ASX 200 phục hồi mạnh

Sau phiên giao dịch "đỏ lửa" hôm qua và nhiều phiên lao dốc trước đó, một số chỉ số lớn trên thị trường chứng khoán châu Á đã ghi nhận sắc xanh trở lại trong phiên chiều nay 17/3 bất chấp phố Wall đêm qua có phiên lao đáy hơn 3 thập kỷ qua.

Sau nhiều phiên dẫn đầu làn sóng giảm điểm tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, chứng khoán Australia chiều nay đảo chiều và phục hồi mạnh mẽ với chỉ số S&P/ASX 200 bật tăng 3,58%. Trong phiên hôm qua 16/3, S&P/ASX 200 chốt phiên “bay hơi” gần 10%.

Sự bật dậy của chứng khoán Australia là nhờ ngân hàng trung ương của nước này có động thái hỗ trợ nền kinh tế chống lại tác động của dịch Covid-19. Kênh truyền hình CNBC dẫn biên bản cuộc họp chính sách hồi đầu tháng 3 của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) được công bố sáng nay cho thấy, khi xem xét quyết định chính sách, các thành viên RBA đều đánh giá dịch Covid-19 gây ra sự gián đoạn lớn đối với kinh tế hoạt động trên thế giới và RBA đã cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất trong tháng 3 xuống mức thấp kỷ lục 0,5%.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay cũng trở lại vùng tích cực sau nhiều giờ mất điểm trước đó. Chỉ số Shanghai Composite nhích nhẹ còn chỉ số Shenzhen Composite lên điểm 0,14%. Tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 1,05%.

Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng bơi lại vùng tích cực khi nhích lên 0,68%, còn chỉ số Topix bật tăng mạnh hơn với 2,21%. Trái lại, chỉ số Kospi của Hàn Quốc vẫn giao dịch trong vùng tiêu cực khi sụt giảm 1,13%.

Thị trường chứng khoán Philippines hôm nay ngừng giao dịch cho đến khi có thông báo mới. Trong một thông báo trên website của Sở giao dịch chứng khoán Philippines, cơ quan này cho biết các giao dịch bị tạm hoãn để đảm bảo an toàn cho nhân viên giao dịch và nhà đầu tư trước diễn biến dịch phức tạp của dịch Covid-19. Trong phiên giao dịch hôm qua 16/3, chỉ số PSE Composite của Philippines chốt phiên “bay” gần 8%.

Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đã hồi phục 0,12%.

Mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư lúc này vẫn là tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu. Số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 168.000 người và dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6.610 người, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Các biện pháp quyết liệt của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác đã thất bại khi đặt ra mục tiêu xoa dịu thị trường bởi các nhà đầu tư vẫn đang tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán và tìm đường về các tải sản bớt rủi ro hơn khi các chính phủ đẩy mạnh các biện pháp mạnh tay để chặn dịch Covid-19”, ông Rodrigo Catril, chuyên gia ngoại hối cao cấp của Ngân hàng Quốc gia Australia bình luận.

Fed hôm 15/3 công bố biện pháp kích thích tiền tệ quy mô lớn trong một động thái hết sức khẩn cấp. Theo chân Fed, một số ngân hàng trung ương ở châu Á hôm 16/3 cũng công bố các biện pháp giảm sốc cho nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19.

Nỗ lực bình ổn thị trường chứng khoán của Fed bằng việc đưa lãi suất cơ bản về biên độ 0-0,25% đã thất bại khi chứng khoán phố Wall đêm qua có phiên giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng cửa “bay hơi” 2.997,10 điểm về mức 20.188,52 còn chỉ số S&P 500 mất 12% và kết thúc ngày giao dịch với 2.386,13 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Trong khi đó, Nasdaq Composite cũng chốt phiên lao dốc 12,3% về 6.904,59 điểm - mức sụt giảm tồi tệ nhất trong ngày từ trước đến nay.

Tính chung lại, phiên lao dốc 16/3 khiến Dow Jones “bay hơi” tổng cộng 31,7% so với mốc tăng điểm kỷ lục của chỉ số này, còn S&P 500 và Nasdaq trượt sâu hơn 29% so với mốc tăng kỷ lục vào tháng trước. Chỉ số Dow Jones đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất của Dow Jones kể từ Ngày thứ 2 Đen tối (Black Monday) cách đây hơn 3 thập kỷ khi nó giảm hơn 22%.

Thị trường tiền tệ hôm nay không ghi nhận biến động lớn. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt nhẹ từ mức 98,234 xuống còn 98,014. Đồng yên Nhật Bản trượt giá nhẹ và giao dịch ở mức 106,51 JPY/USD còn đô la Australia cũng mất giá và trao tay ở mức 1 AUD/0,622 USD.

Tin bài liên quan