WeChat và QQ đang trở thành nơi gặp gỡ và giao dịch không chính thống của những nhà đầu tư và lực lượng môi giới lại Trung Quốc.

WeChat và QQ đang trở thành nơi gặp gỡ và giao dịch không chính thống của những nhà đầu tư và lực lượng môi giới lại Trung Quốc.

Chơi chứng khoán, trái phiếu qua WeChat ở Trung Quốc

Nhà đầu tư và môi giới ở Trung Quốc đang chuyển "địa bàn" sang WeChat để gặp gỡ và chốt các giao dịch một cách không chính thống.

Nhà quản lý ở những nơi khác có thể đang cố gắng hạn chế việc sử dụng các ứng dụng nhắn tin cá nhân trong giao dịch tài chính vì tính không chính thống của nó.

Thế nhưng, tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, xu hướng này đang diễn ra mạnh mẽ.

Những người giao dịch trên thị trường trái phiếu trị giá 11.000 tỷ USD này đang sử dụng các tài khoản cá nhân trên WeChat và QQ (một ứng dụng của Tencent) để làm tất cả mọi thứ, từ phát hành các bản nghiên cứu và chào mời đặt lệnh.

Trong khi việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong hoạt động kinh doanh là bất hợp pháp, do hầu hết các nhà quản lý ở các thị trường phát triển đều yêu cầu phải lưu trữ hồ sơ giao dịch thì việc ứng dụng công nghệ mới như kiểu này tại Trung Quốc có thể gặp vấn đề.

Một nhân viên ngân hàng tại Hong Kong tuần trước đã gặp rắc rối với cơ quan quản lý chứng khoán vì đã chấp nhận các lệnh giao dịch thông qua WeChat và điện thoại di động.

Hao Hong, chiến lược gia của Bocom International Holdings tại Hong Kong cho rằng, việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trên thị trường tài chính Trung Quốc là một xu thế không thể đảo ngược.

Nhưng dùng WeChat trong bất kỳ giao dịch nào cũng mang lại rủi ro vì nó là một tài khoản cá nhân và không có hành lang pháp lý rõ ràng.

Trung Quốc có chính sách lưu giữ các thông tin trao đổi qua tin nhắn. Tuy nhiên, theo Bloomberg thì chưa rõ mức độ thực thi của nó với WeChat và QQ.

Hiệp hội giao dịch liên ngân hàng quốc gia nước này yêu cầu các nhà môi giới trên thị trường liên ngân hàng phải lưu giữ hồ sơ tin nhắn trong ít nhất ba tháng.

Công nghệ tài chính Trung Quốc đã đạt đến mức mà các khoản vay hay cổ phiếu tài sản rủi ro có thể dễ dàng giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử Taobao.

Ra đời năm 2011, WeChat nhanh chóng phổ biến tại nước này với gần một tỷ người sử dụng để gửi tin nhắn, đăng ảnh, tin tức và thanh toán điện tử.

Các nhà môi giới tại Trung Quốc tạo các nhóm trên WeChat để chia sẻ các phân tích, những tin tức và cả tin đồn.

“WeChat và QQ có hiệu quả hơn trong việc tiếp cận người khác so với việc thực hiện các cuộc gọi. Nếu bạn muốn vay hay cho vay, bán hay mua trái phiếu thì bạn chỉ cần gửi yêu cầu vào các nhóm chat.

Khi có ai đó quan tâm đến nhu cầu của bạn thì chỉ việc tiến hành trò chuyện riêng”, Wang Ming - Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Shanghai Yaozhi kể lại.

Wang nói rằng công ty của ông không có quy định về việc lưu lại các thông tin trao đổi trước giao dịch. Tuy nhiên, ông khuyến khích nhân viên dùng WeChat và QQ trên máy tính công ty để lưu giữ lại các thông tin ấy.

Trong khi đó, ở Hong Kong, quy định rõ ràng hơn. Cơ quan quản lý yêu cầu việc đặt lệnh qua điện thoại phải được lưu lại.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và cơ quan quản lý chứng khoán không đưa ra bất kỳ bình luận nào về xu hướng này trong ngành tài chính. Trong khi đó, các nhân vật làm việc trong ngành cũng không muốn thảo luận kỹ với truyền thông vì cho là khá nhạy cảm.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nơi duy nhất mà các ứng dụng nhắn tin cá nhân được sử dụng để trao đổi thông tin và giao dịch trong ngành tài chính.

Ở Đài Loan, ứng dụng Line cũng được sử dụng phổ biến theo cách tương tự. Ở Hàn Quốc, các nhà môi giới dùng KakaoTalk trong khi WhatsApp lại rất phổ biến trong cộng đồng tài chính Ấn Độ.

Xu hướng này có thể không mấy dễ chịu với các nhà đầu tư của các thị trường phát triển.

Nhưng dù sao, họ cũng đang tìm cách thích ứng. Ziyun Wang, đối tác sáng lập của DeepBlue Global Investment - một quỹ phòng hộ tại Hong Kong, cho biết đang cố gắng tận dụng WeChat để nắm bắt thông tin của thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, họ cũng phải hết sức thận trọng với độ tin cậy của thông tin trên đó. Jim Veneau, chuyên gia tại AXA Investment Managers Asia (Hong Kong) cũng chia sẻ quan điểm này.

“Chúng tôi rất cởi mở với tất cả nguồn thông tin đến từ cộng đồng và nếu nó ảnh hưởng đến những gì chúng tôi đầu tư thì chúng tôi phải làm rõ nó. Vấn đề là những tin đồn xuất phát từ các nhóm chat có thể gây ra những tác động”, vị chuyên gia nói.

Một số tổ chức lớn trên thế giới hiện không chấp nhận những kiểu giao dịch qua ứng dụng nhắn tin cá nhân. Deutsche Bank AG cấm sử dụng tin nhắn văn bản và các ứng dụng tương tự như WhatsApp nhằm để tăng cường các tiêu chuẩn tuân thủ.

Tương tự, hầu hết các ngân hàng ở phố Wall đều có chính sách ngăn chặn các cuộc giao tiếp không được giám sát trong bối cảnh bùng nổ các ứng dụng nhắn tin cá nhân trên di động.

Thậm chí, hồi đầu năm, một cựu nhân viên của Jefferies Group LLC (Anh) đã bị phạt vì chia sẻ những dữ liệu bí mật trên WhatsApp.

Alex Bouchardy, chuyên gia tại Credit Suisse Asset Management cho rằng, việc giao dịch trên các phương tiện truyền thông xã hội không đơn giản.

“Mặc dù công nghệ đang tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường vốn, nhưng bạn vẫn cần các quy trình, cơ chế, nguyên tắc tuân thủ nhất định để xử lý các yêu cầu giao dịch. Nếu bạn bỏ qua, bạn sẽ phải xử lý như thế nào?”, vị này nói.

“Việc xác nhận giao dịch thương mại không thực hiện qua các phương tiện giám sát hay ghi chép chính thức có thể gây ra vấn đề. Việc không rõ ràng như hiện tại có thể do sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường”, Clifford Lee, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định của DBS Group Holdings (Singapore) nhận định.

Tin bài liên quan