Các chuyên gia trong lĩnh vực này không nghi ngờ khả năng gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc có thể xây dựng hệ điều hành riêng biệt, nhưng tỏ ra nghi ngại phần thắng liệu có thuộc về Huawei.
Với việc Google ngừng cung cấp các hỗ trợ trong tương lai đối với thiết bị của Huawei, tập đoàn này cần tìm một hệ điều hành mới để tiếp tục phát triển lĩnh vực smartphones của mình.
Theo đó, Huawei sẽ ra mắt hệ điều hành mới mang tên gọi “HongMeng OS” tại Trung Quốc và “Oak OS” tại thị trường quốc tế vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9/2019, theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc. Nếu chính xác, hệ điều hành này sẽ đồng hành với sản phẩm điện thoại Mate 30 mới của Huawei.
Đối với Huawei, thử thách trong việc xây dựng hệ điều hành của riêng mình không chỉ nằm ở vấn đề kỹ thuật, mà còn phụ thuộc vào việc Tập đoàn có thuyết phục được người dùng quốc tế cũng như các nhà phát triển ứng dụng đi kèm, trong bối cảnh các mối lo ngại về an ninh đối với thiết bị của Huawei chưa lắng xuống.
Thiết kế hệ điều hành di động dành riêng cho smartphones của Huawei là điều doanh nghiệp này dễ dàng làm được, nhưng một khi đã phát triển trên quy mô toàn cầu, hệ điều hành này phải thích ứng với thiết bị của nhiều nhà sản xuất khác.
Điều này đồng nghĩa với việc Huawei cần hệ sinh thái đủ lớn, thu hút đủ các ứng dụng thông dụng. Đây là bài kiểm tra khắc nghiệt mà các doanh nghiệp như Microsoft, BlackBerry, Nokia và nhiều công ty công nghệ khác đều đã thử và thất bại.
Để so sánh, năm 2005, Google mua lại Android Inc, ra mắt hệ điều hành Android vào năm 2007 và các thiết bị dùng hệ điều hành này lần đầu được bán ra thị trường năm 2008. Trong khi đó, theo thông báo của Huawei, Tập đoàn đã bí mật xây dựng hệ điều hành riêng biệt kể từ năm 2012, dễ hiểu khi 2019 là thời điểm hợp lý để trình làng dự án này.
Thị phần các hệ điều hành di động trên toàn cầu.
“Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh với Android, Huawei cần các nhà phát triển phần mềm viết ứng dụng cho hệ điều hành Oak OS và đưa hàng triệu app vào hệ thống”, Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint cho biết.
Trong khi đó, một trong những lý do Microsoft bỏ cuộc trong việc xây dựng hệ điều hành Winhdows Phone năm 2017 là bởi các nhà phát triển ứng dụng đã không hỗ trợ nền tảng này.
“Chúng tôi đã cố hết sức để thúc đẩy các nhà phát triển ứng dụng. Nhưng lượng người sử dụng quá thấp để các công ty có thể tiếp tục đầu tư”, Joe Belfiore, Phó chủ tịch Bộ phận Trải nghiệm và thiết bị Microsoft cho biết khi đóng cửa Windows Phone. Bên cạnh đó, hệ điều hành Symbian của Nokia hay BlackBerry OS đều đối diện với thử thách tương tự và thất bại.
Tuy nhiên, Huawei sở hữu lợi thế mà các ông lớn công nghệ kể trên không có được, đó là mối quan hệ với hầu hết các công ty công nghệ quan trọng tại Trung Quốc. Điều này đảm bảo cho việc hệ điều hành mới từ Tập đoàn sẽ được hỗ trợ bởi tất cả các công ty tại quê nhà.
Thực tế chứng minh điều này là chính xác. Ngày 13/6, Thời báo Hoàn cầu cho biết, Tencent, Xiaomi, Oppo, Vivo và một số nhà sản xuất smartphone khác đang làm việc cùng Huawei để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện HongMeng OS.
Bên cạnh đó, sự ủng hộ từ giới chức Đại lục cũng tạo nên sức mạnh cho Huawei. “Những sự kiện gần đây nhắc nhở mọi người rằng, các thế lực tại Mỹ đang thống trị lĩnh vực công nghệ. Trung Quốc sẽ có chiến lược để bớt phụ thuộc vào Mỹ”, Neil Shah cho biết.
Tờ Financial Times bình luận, chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump không chỉ khởi động cuộc chiến tranh thương mại, mà nhiều khả năng còn làm thay đổi tương lai của lĩnh vực công nghệ di động. Nếu không có cú sốc bị cấm vận, Huawei có thể sẽ mãi phụ thuộc vào hệ sinh thái của Google. Nhưng hiện tại, Huawei, cũng như các doanh nghiệp khác được thúc đẩy để chống lại sự thống trị của Google vì sự sinh tồn của chính mình. Thách thức là hiện hữu, nhưng nếu có doanh nghiệp nào vượt qua được điều này, thì đó chính là Huawei năm 2019.