Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều là những lãnh đạo khó đoán. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều là những lãnh đạo khó đoán. Ảnh: AFP.

Chiến lược của Trump và Kim Jong-un trước hội nghị thượng đỉnh

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều trở thành một trò chơi chiến lược phức tạp giữa hai lãnh đạo khó đoán nhất trên thế giới. 

Chỉ trong một tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều đã lật ngược thái độ đối với cuộc gặp lịch sử. 

Trong một động thái ngoại giao đầy kịch tính, Trump hôm 24/5 tuyên bố hủy hội nghị thượng đỉnh với lý do "sự thù địch rõ ràng" từ Bình Nhưỡng, theo Korea Times.

Tuy nhiên, sau bức thư hủy bỏ hội nghị của Trump, Bình Nhưỡng thay đổi thái độ, tích cực và chủ động hơn để cứu vãn cuộc gặp sẽ mang tính lịch sử này. Trong cuộc gặp bất ngờ ngày 26/5 với Tổng thống Hàn Quốc Moon jae-in, Kim Jong-un cho biết sẵn sàng gặp Trump để thảo luận về phi hạt nhân hóa. Đáp lại, Trump tuyên bố thời gian và địa điểm đàm phán với Kim Jong-un "không thay đổi".

Giới phân tích cho rằng, dù mục đích khác nhau nhưng cả Trump và Kim Jong-un đều sử dụng chung một chiến thuật có tên "chiến lược không thể đoán trước".

"Không chắc chắn là dấu hiệu phong cách thỏa thuận của Trump. Kim cũng là bậc thầy về sách lược không thể đoán biết. Sự giống nhau này khiến tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh của Trump biến thành trở ngại to lớn cho hòa bình", Giáo sư Henry Kissinger về Quản trị và An ninh Quốc tế tại Đại học Rheinische Friedrich-Wilhelms ở Bonn, Đức cho biết. 

Để hình dung hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ bàn về điều gì và diễn ra như thế nào, các chuyên gia tập trung phân tích chiến lược của hai lãnh đạo dựa trên diễn biến trong tuần qua.

Tính toán của Kim Jong-un

Joseph DeTrani, cựu đặc phái viên Mỹ tại hội nghị 6 bên với Triều Tiên, cho biết về cơ bản, Kim Jong-un dường như quyết định theo đuổi phi hạt nhân hóa nhưng những người theo lập trường cứng rắn ở Bình Nhưỡng đã thuyết phục Kim không nên chấp nhận đề nghị CVID của Trump. CVID là cụm từ viết tắt của phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Theo chuyên gia này, việc Triều Tiên đe dọa hạt nhân và chỉ trích gay gắt Phó tổng thống Mỹ Mike Pence khiến Trump tin rằng Bình Nhưỡng có suy nghĩ thứ hai về hội nghị thượng đỉnh.

"Có vẻ những hành vi khiêu khích này là biểu hiện của những người theo lập trường cứng rắn ở Bình Nhưỡng và được Kim Jong-un chấp thuận", DeTrani nhận định.

"Về mặt cá nhân, tôi tin rằng sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hai cuộc gặp với Mike Pompeo, Kim Jong-un đã có quyết định chiến lược về việc phi hạt nhân hóa để đổi lại nhượng bộ từ Mỹ và các nước, tất cả đều là nỗ lực nhằm cải thiện kinh tế Triều Tiên và mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân", chuyên gia này nói thêm.

Chiến lược của Trump và Kim Jong-un trước hội nghị thượng đỉnh ảnh 1

 Quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong-chol (phải) dùng bữa tối với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) tại New York hôm 30/5. Ảnh: AFP.

William Brown, một giáo sư trợ giảng tại Trường Ngoại ngữ Georgetown, cho rằng Kim muốn hội nghị thượng đỉnh diễn ra nhưng không muốn xuất hiện với vẻ tuyệt vọng.

"Bởi vậy ông ấy làm mọi thứ trông khó khăn hơn một chút để mọi người không quá kỳ vọng về bước đột phá trong việc phá hủy hạt nhân. Nhưng ông ấy không thể hủy bỏ hội nghị bởi Mỹ sẽ tiếp tục duy trì áp lực tối đa", ông nói, nhấn mạnh thêm rằng mục tiêu của Kim tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là kinh tế.

Brown chỉ ra rằng, tháng trước, Kim Jong-un thúc đẩy rất nhiều kỳ vọng trong nước, nói rằng đảng và chính phủ sẽ tập trung toàn lực vào kinh tế và cuộc sống của người dân sẽ tốt hơn. Theo chuyên gia này, đối với Kim và Bình Nhưỡng, gặp Trump vẫn là lựa chọn tốt hơn so với việc phụ thuộc vào Trung Quốc tại thời điểm này.

Chiến thuật của Trump

Nhiều chuyên gia nhận thấy cách tiếp cận "có", rồi "không, và sau đó lại "có" của Trump không phải biểu hiện của mâu thuẫn mà là một chiến lược đàm phán để chiếm được ưu thế.

"Tôi sẽ không gọi đó là một sự lật ngược. Đó là một phần của thương lượng. Tổ chức hội nghị thượng đỉnh không phải là mục tiêu tối thượng. Mỹ tư duy rằng mục tiêu của hội nghị là phi hạt nhân hóa Triều Tiên, không phải bán đảo Triều Tiên, điều này có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Bán đảo Triền Tiên bao gồm cả Hàn Quốc, quốc gia không có vũ khí hạt nhân", Tara O, một chuyên viên tại Diễn đàn Thái Bình Dương cho hay.

Còn theo Brown, cũng như Kim Jong-un, Trump muốn hội nghị thượng đỉnh diễn ra nhưng không quá kỳ vọng.

"Trump thừa nhận cả hai bên đều đang có trò chơi của riêng mình. Cũng như Kim, Trump muốn giảm bớt kỳ vọng tạo bước đột phá ở hội nghị mà cả cánh tả lẫn cánh hữu ở Washington đều hoài nghi", ông nói. 

Chiến lược của Trump và Kim Jong-un trước hội nghị thượng đỉnh ảnh 2

 Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri hôm 24/5. Ảnh: AFP.

Theo Brown, diễn biến tuần qua khiến kỳ vọng đã giảm xuống và một chương trình nghị sự khiêm tốn hơn có thể đã được thiết lập.

"Đối với Kim, hội nghị cần phải cho thấy một con đường hướng tới bình thường hóa quan hệ, quan trọng nhất là bình thường hóa quan hệ thượng mại và cuối cùng là loại bỏ các biện pháp trừng phạt. Đối với Trump, hội nghị cần bao gồm một con đường hướng tới phi hạt nhân hóa và tiến bộ ở các khu vực khác", Brown nhận định.

King, một chuyên gia về Đông Á tại New York, cho biết ông cảm thấy Trump thật sự để hội nghị trở nên nhiều cảm xúc khi gửi thư hủy cho Kim Jong-un.

"Đó là lý do có thể đưa Kim trở lại bàn đàm phán vì cảm xúc rất chân thật. Vì thế tôi nghĩ đó là một phương pháp thương lượng của Trump. Tôi nghĩ bức thư cùng những nhận xét của Trump đã truyền đạt cho Triều Tiên thấy sự thất vọng của ông.

Đó không phải là một cách lý tưởng để kinh doanh nhưng bất kể ý định thực sự của Trump là gì, sự mềm dẻo của Bình Nhưỡng hiện nay đã cho thấy nó có hiệu quả".

Tin bài liên quan