Nhà sáng lập kiêm CEO Uber, Travis Kalanick

Nhà sáng lập kiêm CEO Uber, Travis Kalanick

CEO Uber nghỉ việc, “ngôi sao” không thể hơn tập thể

(ĐTCK) Trước những bê bối liên quan đến vấn đề quản lý và văn hóa làm việc tại Uber - startup giá trị nhất thế giới với định giá 69 tỷ USD, ngày Chủ nhật vừa qua, Hội đồng quản trị Uber đã tổ chức một cuộc họp bất thường nhằm thảo luận về việc có nên để nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Travis Kalanick nghỉ việc trong vòng 3 tháng hay không?

Trước đây, Kalanick từng nói rằng, vào những ngày tồi tệ, ông tìm thấy sự thư thái khi nhìn vào biểu đồ doanh thu của Công ty, với sự tăng trưởng liên tục đi lên.

Vậy mà trong 2 năm gần nhất, Uber đều lỗ lớn, cụ thể là lỗ 2 tỷ USD trong năm 2015 và 2,8 tỷ USD trong năm 2016, đó là chưa kể tới chi phí để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Để giải thích cho những khoản lỗ lớn, Uber thường tránh trả lời trực tiếp và “lái” vấn đề sang đối thủ Amazon. Trong một cuộc trao đổi với báo giới, đại diện của Uber so sánh rằng, Amazon từng chẳng thu về đồng lợi nhuận nào trong suốt 10 năm khi mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ việc bán hàng hay sao?

Tuy nhiên, khoản lỗ lớn nhất từ trước tới nay của Amazon là 1,4 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với mức lỗ năm 2016 của Uber và CEO Amazon Jeff Bezos đã đối phó bằng cách cắt giám 15% lực lượng lao động. Trong khi đó, Uber lại liên tiếp gặp biến cố, nhất là từ đầu năm 2017 đến nay và Travis Kalanick vẫn chưa thể tháo gỡ được rắc rối.

Cụ thể, hồi tháng 1/2017, có tới 500.000 người dùng đã tham gia một chiến dịch tẩy chay Uber, xóa ứng dụng này khỏi điện thoại của họ để phản ứng lại việc Uber không ủng hộ các cuộc biểu tình tại JFK chống lại lệnh cấm nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Khi vụ việc này còn chưa kịp lắng xuống thì 3 tuần sau đó, Susan Fowler, một nữ kỹ sư hiện đã rời Công ty, đã cáo buộc Uber để xảy ra tình trạng phân biệt giới tính và quấy rối tình dục.

Tiếp theo, một đoạn video xuất hiện ghi lại hình ảnh xấu xí của Kalanick trong một cuộc tranh cãi với một tài xế Uber. Và rồi đến lượt Google kiện Uber với cáo buộc đánh cắp công nghệ xe tự lái.

Trong khi đó, tờ New York Times tiết lộ, Uber sử dụng công cụ Greyball để qua mặt chính quyền tại các thành phố mà Uber không được cấp phép.

Trước hàng loạt bê bối, câu hỏi về vai trò của vị CEO 40 tuổi này bắt đầu được đặt ra và chính Travis Kalanick cũng phải lên tiếng thừa nhận rằng, mình cần sự trợ giúp về mặt lãnh đạo.

“Nhìn vào văn hóa của Uber có thể thấy một sự thật rằng, mọi sức mạnh vượt trội có thể trở thành điểm yếu”, Giám đốc nhân sự Liane Hornsey nói và cho biết: “Uber tạo ra sự khác biệt và sự khác biệt đó đòi hỏi phải có sự tự tin để trở nên táo bạo. Tuy nhiên, theo những gì tôi thấy, trong nội bộ Công ty, điều này đã được hiểu thành ‘tôn giáo cá nhân’. Bây giờ, chúng ta cần nỗ lực thực sự để đảm bảo rằng, cá nhân không bao giờ quan trọng hơn tập thể”.

Thực tế, Uber đã có những động thái ban đầu để giải quyết thực trạng trước mắt. Mới đây, Uber đã tuyển Frances Frei, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard vào vị trí Phó chủ tịch cấp cao chuyên về lãnh đạo và chiến lược.

Uber cũng đã sa thải hơn 20 người và đang xem xét 57 trường hợp khác, sau cuộc điều tra về hàng trăm cáo buộc quấy rối tình dục, phân biệt đối xử và các hành vi kém chuyên nghiệp khác trong Công ty.

Nếu Kalanick phải tạm từ chức, rất ít người còn lại ở Uber có thể thay thế vị trí bị bỏ trống này, đặc biệt là khi Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh Emil Michael vừa bị bị Hội đồng quản trị Công ty gây sức ép và buộc phải từ chức.

Mặt khác, cá nhân Travis Kalanick cùng một số đồng minh trong Hội đồng quản trị Uber vẫn nắm một lượng lớn cổ phần của Công ty, nên vị trí CEO của Kalanick vẫn được bảo đảm, dù ông có vắng mặt ở công ty 3 tháng hay không.

Thời gian này, ngoài những chuyện đau đầu ở Uber, CEO Kalanick còn trải qua mất mát to lớn khi mẹ vừa mất, còn cha bị thương nặng sau một vụ tai nạn.

Tin bài liên quan