CEO Travis Kalanick và sự ra đời của Uber

Từng suýt bỏ qua ý tưởng khởi nghiệp về Uber, giờ đây CEO Travis Kalanick của Uber cho biết mục tiêu sẽ là biến Uber thành dịch vụ nhanh, tiện và rẻ hơn nhiều so với việc sở hữu một chiếc xe ô tô riêng.

CEO Travis Kalanick của Uber

CEO Travis Kalanick của Uber

Uber, dịch vụ chia sẻ xe thông minh dựa trên smartphone của Travis Kalanick, đã được định giá gần 20 tỷ USD, nhưng vị CEO của hãng vẫn còn phải “lao tâm khổ tứ” nhiều. Kẻ thù của Kalanick bao gồm các hãng xe hơi, các nhà quản lý trên toàn thế giới, thậm chí, đối thủ của anh đôi khi còn là chính khách hàng.

Kalanick suýt ruồng bỏ Uber

Uber ra đời vào một đêm đầy tuyết ở Paris năm 2008, khi Kalanick và bạn của anh là Garrett Camp không thể gọi taxi. Lúc đó, cả hai thề sẽ xử lý vấn đề này bằng một ứng dụng cách mạng. Ứng dụng đó rất đơn giản: chỉ cần nhấn nút và sẽ gọi được xe.

Đó là câu chuyện mang tính cội nguồn một chút, nhưng nó chỉ đúng một phần. Thực tế, cặp đôi đang ở châu Âu, tham dự hội nghị công nghệ LeWeb hàng năm của châu Âu. Cả hai đang có nhiều tiền và đang săn tìm ý tưởng kinh doanh. Trước đó, Kalanick đã bán hãng start-up thứ hai của anh, Red Swoosh, một công ty phân phối nội dung, với giá 20 triệu USD cho Akamai Technologies. Còn Camp đã bán công ty StumbleUpon, cho eBay với giá 75 triệu USD hồi năm trước.

Trở về căn hộ chung ở ngoại ô Paris, Kalanick đã nói chuyện cùng một số doanh nhân khác về ý tưởng khởi nghiệp. Trong số những ý tưởng đó, họ có đề cập đến một ứng dụng dịch vụ gọi xe theo yêu cầu. Ý tưởng này được bắt nguồn từ việc họ phải chờ đợi xe trong mưa tuyết. Tuy nhiên, những người có mặt trong căn phòng ngày hôm đó, nói rằng ý tưởng về Uber không hề nổi bật hơn so với những ý tưởng được thảo luận tối hôm đó.

Sau khi trở về San Francisco, Kalanick giao động với nhiều ý tưởng. Nhưng Camp lại bị ám ảnh về dịch vụ gọi xe, nhiều đến nỗi anh đã mua tên miền UberCab.com.

Camp, hiện sở hữu một phần lớn Uber, nói anh không thể để ý tưởng đó trôi qua, và muốn hợp tác với Kalanick. Tại Paris, cặp đôi đã leo lên đỉnh của Tháp Eiffel. Ở đó, Kalanick dường như phóng ánh mắt đi xa hơn, vượt qua các rào cản và có được ý kiến tốt hơn.

Sau này, khi Uber đã có tiếng, Kalanick giải thích sự dè dặt ban đầu là do lúc đó anh đang thất vọng sau khi start-up đầu tiên của anh thất bại thảm hại, start-up thứ hai đi chệch hướng. Lúc đó, anh đang ngập trong nỗi sợ thất bại. “Tôi đã có 8 năm kinh doanh vất vả, vì thế lúc đó tôi chưa sẵn sàng”, Kalanick nói. Anh vẫn sống cùng nhà với bố mẹ không lâu trước chuyến đi đến Paris, sau khi hai công ty khởi nghiệp của anh đều tan tành mây khói. Trước đó gần 10 năm, anh cũng từng bỏ học đại học để trở thành một doanh nhân công nghệ.

Uber đối phó với kẻ thù ở mọi nơi

Tuy nhiên, Camp đã vực Kalanick dậy, và dịch vụ Uber ra đời tại San Francisco vào mùa hè năm 2010, với chỉ một ít xe ô tô, một ít nhân viên. Nhưng đó là một ý tưởng lớn, đặc biệt khi UberCab sắp sửa trở thành xu hướng mới quan trọng nhất trong thời đại công nghệ di động. Sau khi nhập thông tin thẻ tín dụng vào ứng dụng, bất kỳ ai cũng có thể gọi xe chỉ với một cái nhấn nút. GPS sẽ kiểm tra vị trí, chi phí tự động trừ vào tài khoản khách hàng. Nói cách khác, theo đúng lời Camp hay dùng, thì tất cả mọi người đều có thể đi như một triệu phú sành điệu.

Nhưng UberCab thực sự nổi tiếng chỉ mấy tháng sau, khi họ nhận được lệnh phải ngừng dịch vụ ngay của Cơ quan Giao thông Công chúng San Francisco cũng như Ủy ban Giao thông Công cộng California. Cả hai cơ quan đều phản đối việc sử dụng từ “cab” trong tên UberCab, vì họ đang hoạt động không có giấy phép taxi. Đúng như tính cách của mình, Kalanick bắt đầu “khai chiến”.

“Chúng tôi hoàn toàn hợp pháp, và chính phủ lại bảo chúng tôi phải dừng lại. Bạn phải lựa chọn giữa việc làm theo những gì họ nói hay đấu tranh vì niềm tin của bạn”, Kalanick nói.

Kalanick bỏ qua hầu hết các lệnh cấm và đơn giản chỉ đổi UberCab thành Uber, mua tên miền Uber.com. Từ đó, tiền bắt đầu đến, bao gồm cả 10 triệu USD gây quỹ hồi tháng 2/2011, Uber nhanh chóng có giá 60 triệu USD. Không dừng lại ở đó, một nhà đầu tư mạo hiểm khác là Shervin Pishevar đã theo đuổi cổ phần trong Uber và nhanh chóng đầu tư 20 triệu USD. Shervin Pishevar đã lôi kéo sự tham gia của hàng loạt tên tuổi Hollywood mà ông thân thiết, như Ari Emanuel, Ashton Kutcher, Jay Z, và nhiều người khác vào Uber. Ngay cả CEO Jeff Bezos của Amazon cũng đầu tư vào Uber. Đến mùa hè năm 2014, Uber đã đạt giá trị 17 tỷ USD.

Uber giống như người vợ đã mang lại hạnh phúc cho Kalanick

Trái với xu hướng đặt tên phòng họp của nhiều start-up ở Silicon Valley là lựa chọn những tên gọi ngọt ngào, phòng họp chính trong văn phòng của Uber có tên War Room. Đó có lẽ là cái tên rất hợp cho Kalanick và nhóm của anh, vì Uber mở rộng ra các thành phố ở Mỹ và trên thế giới, và Kalanick luôn phải chiến đấu với các hãng taxi, với nhà chức trách.

Cuộc chiến này ngày càng leo thang. Mặc dù có thái độ cứng cỏi, không chịu khuất phục, song Kalanick vẫn thừa nhận tính chất cam go của cuộc chiến. “Nhẽ ra chúng tôi nhên sớm nhận ra rằng mình đang chạy một chiến dịch chính trị, và ứng cử viên là Uber”, anh nói. “Chiến dịch này xảy ra ở mọi thành phố trên thế giới. Và vì đây không phải là chiến dịch dân chủ, nó là về một sản phẩm, bạn không thể thắng khi có 51-49 số phiếu, bạn chỉ thắng khi có tỷ số 98-2”.

Chiến dịch chính trị không phải là điều Kalanick nói đùa. Anh đã thuê David Plouffe, cố vấn cao cấp trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của Obama năm 2008, để lãnh đạo nỗ lực của Uber trong các chính sách truyền thông.

Không chỉ đối phó với chính quyền, đối thủ, các hãng taxi, Uber thậm chí còn phải đối phó với cả khách hàng, những người không hài lòng và tố cáo Uber đủ điều. Tuy vậy, Kalanick  nói anh sẽ không dừng lại cho đến khi anh giành được chiến thắng ở mỗi một thành phố trên khắp toàn cầu. Với mỗi một khó khăn, Kalanick lại quyết tâm hơn, tham vọng lại lớn  hơn bao giờ hết.

“Chúng tôi muốn đạt đến mục đích sử dụng Uber sẽ rẻ hơn so với việc sở hữu một chiếc xe ô tô riêng”, Kalanick nói. Thậm chí, tham vọng muốn được gia nhập và thống lĩnh “mọi nền kinh tế” của Uber dường như còn khiến những công ty lớn hơn nhiều và danh tiếng hơn nhiều như Google, Amazon, eBay, Walmart phải nể sợ.

“Uber rất giống với Amazon những ngày đầu khi chỉ mới bán sách. Là một nhà bán sách, Amazon làm rất tốt nhưng có thể bị cạnh tranh. Vì vậy, Bezos, nhanh chóng chèo lái công ty thành một dịch vụ không thể thiếu với mọi người”, Mark Cuban, một nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ, nói. Cuban thừa nhận ông rất khâm phục cả Uber lẫn Kalanick.

Kalanick cam kết sẽ đưa công ty tiến lên. Khi được hỏi liệu Kalanick có bán Uber cho một công ty lớn hơn, như Google chẳng hạn, Kalanick dường như rất kinh ngạc. Anh nói: “Bạn đang nói chuyện với một người có vợ và rất hạnh phúc với vợ, và bạn có nên hỏi: “Người vợ tiếp theo của anh sẽ như thế nào?”. Tôi cũng giống như người đàn ông hạnh phúc đó vậy”.

Tin bài liên quan