Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Cảnh báo rủi ro vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Trung Quốc đang từng bước hồi phục sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cùng với đó, thời kỳ “nguy hiểm” cũng bắt đầu khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp quy mô 4.100 tỷ USD phát tín hiệu bất ổn.

Theo nhiều nhà quản lý quỹ, nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý cho làn sóng vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc, nhất là khi năm 2019 đã ghi nhận kỷ lục các khoản nợ không thể trả đúng hạn.

Cảnh báo rủi ro vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc ảnh 1

Các khoản nợ trái phiếu không thể thanh toán tại Trung Quốc.

Trong quý II/2020, tình trạng không thể trả nợ đã gia tăng một cách đáng kể, tạo áp lực lên các doanh nghiệp phải trả nợ trái phiếu đến hạn vào cuối năm nay với tổng giá trị lên tới 3.650 tỷ nhân dân tệ (529 tỷ USD).

“Nền kinh tế Trung Quốc phần nào đã vững vàng hơn so với thời điểm đầu năm, nên giới chức nước này không cần gồng mình để giữ vững các thị trường tài chính.

Trong khi đó, khối doanh nghiệp vẫn rất yếu, chưa thể đối diện với áp lực trả nợ”, Brock Sivers, giám đốc đầu tư tại Adamas Asset Management nói và cho biết, ông đánh giá tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt kỷ lục mới trong năm 2020.

Năm 2019, các khoản nợ trái phiếu không được thanh toán đạt 142 tỷ USD. Kể từ đầu năm 2020 tới ngày 20/8, con số này đạt 70 tỷ USD.

Số lượng các vụ vỡ nợ tính từ đầu năm tới nay đã tăng rất nhanh, nhất là khi đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lâm vào tình cảnh giảm tốc mạnh nhất trong thập kỷ qua. Đáng chú ý, diễn biến vỡ nợ có dấu hiệu tăng tốc kể từ đầu quý II/2020 tới nay.

Cụ thể, trong quý I/2020, các vụ vỡ nợ giảm 17% so với cùng kỳ 2019, với giá trị đạt 49 tỷ nhân dân tệ. Nguyên nhân là chính quyền Trung Quốc tung ra nhiều gói hỗ trợ đại dịch, đồng thời cổ vũ các nhà băng tiến hành tái cơ cấu nợ, chấp nhận lùi thời hạn trả nợ hoặc tìm các giải pháp như phát hành trái phiếu mới hoán đổi nợ với thời gian đáo hạn dài hơn.

Tuy nhiên, bước sang quý II, giới chức nước này có phần “buông lỏng”, tập trung vào các biện pháp cải thiện thị trường tài chính trong dài hạn và phần nào chấp nhận những rủi ro ngắn hạn.

Số lượng trái phiếu không được thanh toán khi đến hạn đạt 10,4 tỷ nhân dân tệ riêng trong tháng 7 và ở mức tương đương trong tháng 8, với nhà phát triển bất động sản hạng sang Tahoe Group Co là tên tuổi mới nhất chậm thanh toán khi trái phiếu đến hạn.

Trong khi đó, Owen Gallimore, người đứng đầu bộ phận tín dụng tại ANZ Banking Group Ltd tại
Singapore đánh giá, các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường nội địa Trung Quốc sẽ sớm bắt kịp tình hình tại thị trường nước ngoài, khi các khoản nợ bằng USD đến hạn chưa được thanh toán đã vượt 55% tổng cả năm 2019, theo số liệu của Bloomberg.

Các doanh nghiệp bất động sản là đối tượng cần được theo dõi sát sao nhất, bởi chiếm phần lớn trong các khoản huy động vốn bằng trái phiếu với lãi suất cao.

Cụ thể, nhóm doanh nghiệp bất động sản cần trả 199,3 tỷ nhân dân tệ các khoản nợ trái phiếu tại thị trường nội địa và 12,3 tỷ USD tại thị trường quốc tế trước khi năm 2020 kết thúc. Không chỉ cần huy động tài chính để trả nợ, nhóm doanh nghiệp này còn cần tiền mặt để đảm bảo yêu cầu mới đối với nhà phát hành trái phiếu.

Hiện tại, có ít nhất 10 công ty Trung Quốc được các nhà đầu tư đồng ý lùi thời hạn trả nợ trái phiếu và có ít nhất 83 doanh nghiệp, với tổng giá trị trái phiếu 46,3 tỷ USD đang trong giai đoạn thảo luận để tái cơ câu nợ, theo số liệu tổng hợp từ doanh nghiệp và các hãng xếp hạng. Đây là mức cao nhất kể từ khi các số liệu được ghi nhận.

Đáng chú ý, chỉ trong tuần trước, các công ty bao gồm Haikou Meilan International Airport Co (dịch vụ hàng không), Genting Hong Kong Ltd (nhà tổ chức du thuyền) và Bohai Leasing Co (dịch vụ vận chuyển) đều công bố thông tin cho biết có khả năng không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ trái phiếu.

Tin bài liên quan