Mặc dù thị trường chứng khoán bùng nổ, nhưng giới đầu tư vẫn “ôm tiền” cố thủ

Mặc dù thị trường chứng khoán bùng nổ, nhưng giới đầu tư vẫn “ôm tiền” cố thủ

Các tỷ phú vẫn nắm 1.700 tỷ USD tiền mặt

(ĐTCK) Bất chấp chứng khoán Mỹ và châu Âu có những phiên bùng nổ thời gian qua, ngày càng có nhiều nhà đầu tư lựa chọn giải pháp tích trữ tiền mặt để chờ cơ hội từ môi trường lãi suất thấp và lợi suất trái phiếu âm.

Theo khảo sát do Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch thực hiện mới đây, tỷ lệ tiền mặt trong danh mục đầu tư hiện ở mức 5,8%, cao nhất kể từ tháng 11/2001. Trong báo cáo của mình, ngân hàng này lưu ý: “Niềm tin trên toàn cầu vẫn yếu. Giới đầu tư tài sản thế giới đang nắm giữ cán cân tiền mặt trung bình cao nhất trong gần 15 năm qua, trong khi lượng phân bổ cho chứng khoán đã giảm xuống mức thấp của 4 năm gần đây”.

Một nghiên cứu khác của Wealth-X Billionaire Census đã chỉ ra rằng, các tỷ phú trên thế giới đang nắm giữ trên 1.700 tỷ USD tiền mặt, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tồn tại những nhân tố bất định và số thương vụ mua bán và sáp nhập cao kỷ lục, đã dẫn tới các danh mục đầu tư “tràn ngập” tiền mặt.

Trả lời phỏng vấn CNBC, nhà kinh tế trưởng Alastair Winter tại Daniel Stewart cho rằng: “Nắm giữ tiền mặt rõ ràng là một tín hiệu không tốt đối với lòng tin của giới đầu tư, song đó là điều hoàn toàn hợp lý. Giá cổ phiếu và trái phiếu đang nhận được lực đẩy rất lớn từ các ngân hàng trung ương, cả trực tiếp thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ và gián tiếp thông qua kỳ vọng của thị trường rằng, các chính sách này sẽ được duy trì trong thời gian dài. Nắm giữ tiền mặt là một xu thế hiện nay, song cũng tồn tại những rủi ro nhất định một khi lạm phát tăng cao”.

Các hình thức đầu tư truyền thống như trái phiếu đang chứng kiến lợi suất ở mức thấp kỷ lục, do tình hình thị trường trở nên bất định kể từ sau khi cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Sự bất định đó cũng dẫn tới những bất ổn và biến động trên các thị trượng tiền tệ và chứng khoán, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần phải rất khôn ngoan khi đặt tiền của mình vào các loại hình đầu tư kiểu này.

Chỉ số Dow Jones, S&P và Nasdaq trên thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức cao kỷ lục lần đầu tiên kể từ năm 1999 trong phiên 11/8 vừa qua, khi các nhà đầu tư hướng tới giá dầu cao hơn và kết quả kinh doanh khả quan trong quý II của một số tập đoàn lớn. Niềm tin trên phố Wall cũng tạo đà củng cố cho chứng khoán châu Á và một phần chứng khoán châu Âu.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ của chứng khoán toàn cầu ở các mức độ này, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu niềm tin đó có được duy trì? Sandy Jadeja, chiến lược gia thị trường tại SignalPro nhận định: “Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán đang nhận được lực đẩy tăng điểm (bull) và có thể tiếp tục xu hướng này trong một khoảng thời gian ngắn hạn, song các dữ liệu kỹ thuật cho thấy mô hình phân kỳ đang xuất hiện và bản thân động lực đó sẽ không thể duy trì trong dài hạn”.

Vậy có nên quay trở lại việc nắm giữ tiền mặt? Một số nhà phân tích cho rằng, các nhà đầu tư chọn nắm giữ tiền mặt hơn là đầu tư vào cổ phiếu tại thời điểm thị trường chứng khoán đang có màn trình diễn tốt là một tín hiệu cho thấy, lòng tin trên thị trường đang đi xuống.

Về phần mình, chuyên gia quản lý tiền tệ tại with KKM Financial, Daniel Deming đánh giá: “Những động thái lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có tác động rất lớn tới thị trường. Trong bối cảnh ‘bàn tay vô hình’ của Fed vẫn được thắt chặt, thì đơn giản, thị trường đang vận động theo hướng nó phải vận động. Công cuộc tìm kiếm lợi suất có lợi nhất của các nhà đầu tư vẫn tiếp tục. Bản thân tôi vẫn duy trì một số quan điểm phòng ngự tại thời điểm này. Đó cũng là lý do vì sao một số nhà đầu tư lựa chọn giải pháp tích trữ tiền mặt, một khi Fed có những động thái lãi suất mới”.

Tin bài liên quan