Các thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ rơi xuống mức nào?

Các thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ rơi xuống mức nào?

(ĐTCK) Các giám đốc đầu tư trên toàn cầu đang đưa ra cảnh báo về việc thị trường chứng khoán có thể tụt dốc sâu hơn nữa trước các mối lo ngại từ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, giá dầu và việc các ngân hàng trung ương thiếu đi các công cụ để hỗ trợ nền kinh tế.

Chỉ số Standard & Poor’s 500 sẽ giảm thêm 10% nữa, xuống mức 1.650 điểm và giá dầu có thể xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng khi giới đầu tư luôn cảm thấy bất an, Scott Minerd, giám đốc đầu tư của Guggenheim Partners cho biết.

Trong khi đó, Jeffrey Rottinghaus, giám đốc quản lý quỹ T. Rowe Price cho rằng, giá chứng khoán có thể giảm thêm 10% khi nền kinh tế Mỹ trượt vào khủng hoảng nhẹ. Bên cạnh đó, “ngành công nghiệp và hàng hóa sẽ rơi vào khủng hoảng trong ít nhất 6 tháng nữa tại Mỹ”.

“Tôi chờ đợi một đợt giảm dài của chỉ số S&P 500”, Jefrey Gundlach, đồng sáng lập DoubleLine Capital cho biết.

Trong phiên giao dịch tại thị trường Mỹ đêm qua, chỉ số S&P 500 đã giảm 3,7%, mức mạnh nhất kể từ tháng 8/2015, trước khi phục hồi nhẹ và đóng cửa ở 1.859,33 điểm. Tất cả 30 thành viên của chỉ số Dow Jones Industrial Average đều giảm giá kể từ đầu năm 2016 tới nay, trong khi chỉ số này giảm 1,6% trong phiên giao dịch tối qua, kéo dài đà giảm từ 31/12/2015 đến nay lên 9,5%.

"Tôi chờ đợi một đợt giảm dài của chỉ số S&P 500" - Jefrey Gundlach, đồng sáng lập DoubleLine Capital

Russ Koesterich, giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu của BlackRock Inc cho rằng, thị trường cần có những chất xúc tác về cơ bản để chạm đáy thực sự và bật tăng trở lại. Đó có thể là các thông tin đến từ doanh thu của các tập đoàn, thông tin kinh tế tốt hoặc sự cải thiện của nền kinh tế Trung Quốc.

“Chúng ta cần có sự bình ổn tại các yếu tố cơ bản để có thể thuyết phục mọi người rằng mọi chuyện tới đây là chấm hết”, Koesterich cho biết.

Ray Dalio, giám đốc quỹ đầu cơ, người sáng lập Bridgewater Associates trả lời phỏng vấn CNBC tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016 rằng: thị trường toàn cầu đang đối mặt với rủi ro giảm phát của nền kinh tế. Bước đi tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lẽ sẽ thiên về nới lỏng hơn là tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Điều này sẽ không dễ dàng, bởi lãi suất hiện tại đã ở mức thấp.

Tin bài liên quan