Các tập đoàn trốn thuế khiến hệ thống thuế thất thu 100 tỷ USD mỗi năm

Các tập đoàn trốn thuế khiến hệ thống thuế thất thu 100 tỷ USD mỗi năm

(ĐTCK) Đó là con số vừa được Oxfam công bố từ các nghiên cứu tiến hành gần đây về thực trạng hệ thống thuế toàn cầu.

Theo báo cáo nghiên cứu của Oxfam, 90% công ty lớn nhất trên thế giới đang mở các chi nhánh tại ít nhất 1 thiên đường thuế.

Bằng cách này, mức thuế suất của 50 công ty tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Hoa Kỳ phải đóng chỉ là 25,9%, thấp hơn gần 10% so mới mức thuế quy định trong luật của nước này. Đó là bất bình đẳng về thuế giữa các loại hình doanh nghiệp.

Các tập đoàn đa quốc gia lớn đang dùng quyền lực chính trị và khả năng tài chính của mình để tránh thuế.

Dựa trên số liệu Báo cáo công bố hàng năm 10-K của Ủy ban Chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ, từ năm 2009 đến 2015, 50 công ty lớn nhất của Hoa Kỳ bao gồm những thương hiệu toàn cầu nhưPfizer, Goldman Sachs, GE, Chevron, Walmart, and Apple đã dành 2,5 tỷ USD cho vận động hành lang (tương đương gần 50 triệu USD cho mỗi thành viên của Quốc hội).

Oxfam ước tính, với mỗi 1 USD mà các công ty này dùng để vận động về thuế, họ giảm mức đóng thuế xuống 1.200 USD. Hiện mức thuế suất mà các công ty này phải đóng là 25,9%, thấp hơn gần 10% so mới mức thuế quy định trong luật.

Để xây dựng danh sách về thiên đường thuế, Oxfam đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: i) thuế thu nhập doanh nghiệp, ii) ưu đãi thuế và iii) hợp tác quốc tế chống tránh thuế.

Danh sách 15 thiên đường thuế này gồm: (1) Bermuda (2) Đảo Cayman (3) Hà Lan (4) Thụy Sĩ (5) Singapore (6) Ireland (7) Luxembourg (8) Curaçao (9) Hồng Kông (10) Đảo Síp (11) Bahamas (12) Jersey (13) Barbados, (14) Mauritius and (15) Đảo British Virgin Islands.

Ngoài việc vận động để giảm thuế suất, các công ty này đã chuyển 1.600 tỷ USD đến các thiên đường thuế, tăng 200 tỷ USD so với năm ngoái. Các cải cách mà chính quyền Mỹ đang đề xuất sẽ làm trầm trọng hóa vấn đề này.

Bức tranh này rất tương đồng tại châu Âu với 20 ngân hàng lớn nhất châu Âu khai báo 26% tổng lợi nhuận của họ (khoảng 25 tỷ Euro) tại các thiên đường thuế, trong đó Ireland và Luxembourg là các thiên đường thuế được ưa chuộng nhất.

Tỷ lệ này không tương ứng với các hoạt động kinh tế thực tế diễn ra tại vùng lãnh thổ này.

“Ví dụ như Ngân hàng BNP Paribas của Pháp đã lãi 134 triệu Euro tại quần đảo Cayman, nơi áp dụng mức thuế suất 0%, dù không có nhân viên nào tại đây. Khi có nhân viên tại những quốc gia được liệt kê vào danh sách “thiên đường thuế”, thì mỗi một nhân viên tại nước này đang tạo ra lợi nhuận gấp 4 lần một nhân viên trung bình ở các nước còn lại”, báo cáo của Oxfarm nhấn mạnh.

Hơn nữa, các ngân hàng khai báo lợi nhuận cao tại các thiên đường thuế trong khi báo lỗ tại các nơi khác. Ngân hàng Deutsche Bank của Đức khai báo mức lợi nhuận thấp hoặc lỗ tại các thị trường trọng điểm trong năm 2015, trong khi khai báo gần 2 tỷ euro lợi nhuận tại các thiên đường thuế.

Tình trạng này đã đến mức báo động và hiện EU đang đề xuất mở rộng quy định nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia sang các lĩnh vực khác ngoài ngân hàng.

Báo cáo của Oxfam cũng đã chỉ ra một thực tế tại nhiều quốc gia hiện nay là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay tạo nhiều ưu đãi thuế hơn cho doanh nghiệp cũng đang được sử dụng rộng rãi với mong muốn thu hút đầu tư.

“Trong một vài thập kỷ vừa qua, số liệu cho thấy rằng, số tiền nộp thuế của các công ty lớn đang giảm dần, do các quốc gia đang cạnh tranh trong cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu đã giảm từ mức trung bình 27,5% vào 10 năm trước, xuống còn 23,6% hiện nay. Quá trình này đang có dấu hiệu tăng tốc”, ông Francis Weygiz, Cố vấn cao cấp về Thuế, Oxfam nhấn manh.

Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng đủ phần thuế của mình, tại những nơi mình có hoạt động kinh doanh, để hoàn trả lại những trách nhiệm về môi trường, đất đai, và nguồn lực công khác mà doanh nghiệp sử dụng của nước sở tại

- Oxfam   

Bên cạnh đó, cùng với cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, các quốc gia có thể tiếp tục dành nhiều loại ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Theo ông Weygiz, đôi khi, ưu đãi thuế đóng vai trò tích cực trong thu hút đầu tư hoặc giúp một quốc gia định hình nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, ưu đãi thuế thường xuyên được cho là không hiệu quả và tốn kém.           

Oxfam dẫn các số liệu cho thấy, Kenya thất thoát 1,1 tỷ USD một năm do miễn giảm và ưu đãi thuế - gần gấp đôi chi tiêu của chính phủ trong toàn bộ ngân sách cho y tế; Nigeria chi tiêu 2,9 tỷ USD cho ưu đãi thuế, gấp đôi số tiền dành cho giáo dục.

Còn tại Hà Lan, chỉ riêng “hộp sáng kiến” (một loại ưu đãi thuế dành cho các sáng kiến về công nghệ), ước sẽ tốn hơn 1,2 tỷ euro trong năm 2016. Con số này tương đương với 7,6% tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của Hà Lan

Tại Việt Nam, báo cáo của Oxfam cho biết, năm 2013, khi trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã ước tính việc bổ sung ưu đãi thuế sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 2.080 tỷ đồng/năm

Tương tự, năm 2014, số giảm thu ngân sách do áp dụng chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thuế thu nhập cá nhân theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật thuế ước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.

“Đây là con số ước tính khi trình dự án luật và trên thực tế, số giảm thu ngân sách do ưu đãi thuế có thể cao hơn rất nhiều lần. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, việc mở rộng chính sách ưu đãi thuế là một trong những nguyên nhân giảm thu ngân sách nhà nước của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang đối mặt với bội chi ngân sách có xu hướng gia tăng và người dân chịu gánh nặng chi tiêu y tế cao”, ông Weygiz  khuyến cáo. 

Báo cáo của Oxfam cho thấy, hệ thống thuế hiện tại đang cho phép các công ty tránh đóng hàng tỷ USD tiền thuế trong khuôn khổ pháp luật.    

Để cải thiện tình trạng này, Oxfarm đưa ra một số đề xuất. Cụ thể, cần thiết lập cơ chế thu thập thông tin và dữ liệu về chính sách ưu đãi thuế như số dự án được hưởng, đóng góp của dự án với nền kinh tế, số giảm thu ngân sách và công bố công khai để giám sát.

Thực hiện thống kê chi ngân sách nhà nước do miễn giảm thuế. Phân tích chi phí-lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội trước khi ban hành và sau khi thực hiện chính sách ưu đãi thuế.

Bên cạnh đó, Oxfam cũng khuyến nghị Chính phủ cần rà soát và tập trung tất cả các chính sách ưu đãi thuế nhằm tránh trùng lắp, lãng phí; tránh dàn trải, manh mún. 

Rà soát, rút gọn danh mục 25 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và hạn chế áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế. Hình thức này làm giảm thu ngân sách cao nhất.

Một trong những giải pháp chống chuyển giá được Oxfam đề xuất là yêu cầu tất cả các tập đoàn đa quốc gia công bố báo cáo liên quốc gia (Country by Country report) với thông tin riêng cho từng quốc gia mà nó có hoạt động.

Các tiêu chí khai báo trong báo cáo phải cung cấp được bức tranh đầy đủ về hoạt động kinh tế của các tập đoàn, đồng thời công khai các yếu tố chính của thỏa thuận giữa các cơ quan thuế và công ty đa quốc gia.

Tin bài liên quan