Nhà đầu tư nước ngoài hiện có xu hướng liên doanh với chủ đầu tư trong nước để phát triển dự án

Nhà đầu tư nước ngoài hiện có xu hướng liên doanh với chủ đầu tư trong nước để phát triển dự án

Các ông chủ châu Á “hãm” vốn vào địa ốc, thị trường Việt Nam ra sao?

(ĐTCK) Theo thông tin từ CBRE, các nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017 đã “hãm” vốn rót vào bất động sản mà tập trung vào “theo đuổi chênh lệch lợi suất”. Tuy nhiên, điều này không gây tác động xấu đến thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới.

Đại gia “Hãm” vốn vào bất động sản…

Theo Khảo sát Dự định đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 do CBRE vừa công bố, các mục tiêu đầu tư nền tảng, bao gồm tìm kiếm những cơ hội với mức chênh lệch lợi suất tốt và áp dụng chiến lược nhiều rủi ro để thu lợi nhuận cao hơn sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương.

CBRE phân tích triển vọng và mong muốn của các nhà đầu tư bất động sản trong khu vực, qua đó cho thấy mặc dù các nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương không có ý định đầu tư nhiều hơn vào
bất động sản như năm trước, nhưng họ vẫn có nhu cầu rất lớn đối với các loại tài sản rủi ro cao nhờ vào lợi nhuận tiềm năng.

Theo CBRE, 37% người được hỏi cho biết “theo đuổi chênh lệch lợi suất” là động lực chính của việc đầu tư vào bất động sản, tăng so với con số 15% năm 2016. Khi viễn cảnh tỷ lệ vốn hóa tiếp tục giảm khó có thể xảy ra, sự quan tâm đến tăng trị giá vốn cũng suy yếu theo.

Bên cạnh đó, những lo ngại về kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn là mối quan tâm chính đối với các nhà đầu tư nói chung nhưng các mối lo lắng này đã giảm bớt so với cuộc khảo sát năm ngoái - với chỉ 25% trong năm 2017 so với 46% của năm 2016.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Robert Fong, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, CBRE châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Những nhà đầu tư được thúc đẩy bởi xu hướng đa dạng hóa khu vực địa lý đang gia tăng. Các nhà đầu tư châu Á đang phân bổ vốn rất ít vào bất động sản ở nước ngoài, điều này thúc đẩy họ phải đa dạng hóa danh mục đầu tư”.

Theo đuổi lợi suất cao

Các quỹ đầu tư quốc gia, quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí (SWIPe) có xu hướng đầu tư nhằm tăng giá trị vốn hơn là chênh lệch lợi suất, chuyển sang các chiến lược đầu tư cơ hội chẳng hạn như chiến lược xây dựng cốt lõi. Đa số các nhà đầu tư SWIPe cho biết họ sẽ đầu tư khoảng 2 - 5 tỷ USD trong năm nay, trong khi có một số ít dự định đầu tư hơn 5 tỷ USD. Điều này cho thấy, hầu hết các giao dịch lớn trong khu vực năm nay sẽ do các nhà đầu tư SWIPe thực hiện.

Mặt khác, một số lượng lớn người được hỏi (từ 6% năm 2016 lên 14% năm 2017) cho rằng sự gia tăng lãi suất nhanh hơn so với kỳ vọng là một mối đe dọa. Các nhà đầu tư chấp nhận một thực tế rằng thời kỳ của chính sách lãi suất thấp hay 0% đã qua. Phá giá lại trở thành mối lo ngại thứ hai của các nhà đầu. Bên cạnh đó, họ cũng e ngại rằng điều này sẽ đặt áp lực lên việc định giá, bất kể là do những yếu điểm trong việc cho thuê hoặc sự gia tăng tỷ lệ vốn hóa.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, bà Hồ Thị Hồng Hạnh, Quản lý Bộ phận Tiếp thị và Truyền thông Công ty TNHH CBRE (Việt Nam) cho biết: “Những hạng mục đầu tư như chứng khoán, quỹ đầu tư lưu động là khá rủi ro. Tuy nhiên, đây cũng là phần sinh lời cao nhất. Việc gia tăng lãi suất sớm hơn dự đoán cũng là một trong những yếu tố gây lo ngại cho nhà đầu tư, đặc biệt khi họ vay vốn để đầu tư, việc tăng lãi suất ngoài dự đoán sẽ làm tăng gánh nặng dòng vốn cho họ”.

Ông Robert Fong, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu, CBRE châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Việc theo đuổi lợi suất cao hơn đang thúc đẩy các nhà đầu tư thực hiện chiến lược tăng giá trị cốt lõi, đồng nghĩa với việc tăng cường đầu tư vào các tài sản trọng điểm trong các lĩnh vực không phải là cốt lõi, hoặc các tài sản không trọng điểm trong các lĩnh vực cốt lõi.

Việc chấp nhận rủi ro cao để kiếm lời lớn được thể hiện qua việc chuyển từ các chiến lược tạo giá trị gia tăng sang chiến lược chớp lấy cơ hội. Sự thiếu hụt các tài sản trọng điểm để bán ngay khiến ngày càng nhiều các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro phát triển hoặc tái phát triển dự án để xây dựng những tài sản chất lượng cao”.

Thị trường Việt Nam vẫn nhiều cơ hội

Các chuyên gia cho rằng, trong năm nay, sự quan tâm đến thị trường Nhật Bản có thể giảm sút bởi lo ngại rằng các yếu tố nền tảng cơ bản có thể đạt đỉnh điểm cùng với sự tăng trưởng kinh tế yếu ớt. Còn tại Trung Quốc, mối quan tâm của các nhà đầu tư bị chi phối bởi những nền tảng kinh tế cơ bản và cơ hội tiếp cận các tài sản bị định giá thấp, tuy nhiên, điều kiện thị trường hiện tại lại đang đặt ra thách thức khi tìm kiếm mức lợi nhuận dương.

Trong khi đó, thị trường Việt Nam lại được gia tăng sự quan tâm đáng kể nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng vĩ mô ổn định và lợi suất ban đầu cao. Tuy nhiên, những loại tài sản có thể đầu tư vẫn khá hạn chế và cách thức thâm nhập điển hình của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu dựa trên hình thức liên doanh với những chủ đầu tư trong nước.

Theo khảo sát của CBRE, thị trường Việt Nam đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

“Mức độ quan tâm của các chủ đầu tư đến từ châu Á - Thái Bình Dương giảm sút, do dòng vốn đầu tư đã được sử dụng khá nhiều trong năm ngoái cũng như những tài sản có thể đầu tư đã được chọn trong năm ngoái. Tuy năm nay sự quan tâm ít hơn nhưng vẫn theo hướng tích cực”, bà Hạnh cho biết.

Cũng theo báo cáo của CBRE ở Việt Nam, bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nhất bên cạnh với các tài sản đầu tư khác như trái phiếu chính phủ, cổ phiếu, quỹ đầu tư… Mặc dù, các hoạt động đầu tư được dự đoán sẽ không sôi nổi như năm ngoái.

Cùng quan điểm này, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, năm 2017 lượng sản phẩm bất động sản tung ra chào bán sẽ ít hơn năm 2016.

Ở một góc độ khác, theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, bất động sản, thị trường bất động sản năm 2017 vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư cá nhân, nhưng sẽ phân hóa mạnh, đi vào sự lựa chọn dựa trên nhu cầu và năng lực tài chính của nhà đầu tư. Đặc biệt, thị trường sẽ không có xu hướng rõ rệt, cơ hội sẽ đến theo từng dự án cụ thể, dựa trên vị trí, chủ đầu tư và sản phẩm thích hợp.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan