Nhu cầu sản phẩm cá nhân dành cho nam giới đang tăng đáng kể

Nhu cầu sản phẩm cá nhân dành cho nam giới đang tăng đáng kể

Các nhà bán lẻ thích ứng với thói quen mua sắm thay đổi

(ĐTCK) Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc giảm dần do kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, nhiều nhà bán lẻ đang tìm cách thúc đẩy những phân khúc thị trường khác, bằng cách chuyển hướng sang thời trang nam giới, giải trí cho trẻ em và chăm sóc sức khỏe.

“Thời trang không chỉ dành cho phụ nữ”, một người đàn ông 32 tuổi đến từ Thượng Hải nói và cho biết, anh thường xuyên theo dõi các thông tin và xu hướng thời trang mới nhất trên Tạp chí GQ cho phái mạnh, cũng như trong các bộ phim truyền hình của Nhật Bản và Hàn Quốc. Với thu nhập khoảng 15.000 nhân dân tệ (2.360 USD)/tháng, anh sẵn sàng chi đậm để mua sắm quần áo thời trang miễn là thứ anh thích.

Để đáp ứng nhu cầu từ những khách hàng như vậy, hãng Isetan Mitsukoshi Holdings (Nhật Bản) đã mở cửa một gian hàng cho phái mạnh tại trung tâm mua sắm Shanghai Isetan hồi cuối tháng 9 vừa qua. Gian hàng thời trang này trưng bày đủ loại quần áo nam, giày dép và vật dụng gia đình.

Sáu năm trước, chính thương hiệu này từng phải đóng cửa một cửa hàng thời trang nam, cho thấy đàn ông Trung Quốc thời điểm đó không quan tâm và chi tiêu nhiều cho thời trang. Hiện nay, phân khúc thời trang nữ giới không có nhiều thay đổi, trong khi chi tiêu cho thời trang nam đang có xu hướng tăng nhanh. Doanh số bán hàng của thương hiệu thời trang Initial đạt mức 100.000 nhân dân tệ trong tuần khai trương cửa hàng mới vào giữa tháng 10 vừa qua.

Gome Electrical Appliances Holding, một trong những nhà bán lẻ thiết bị gia dụng lớn nhất Trung Quốc cho biết, quần áo, giầy dép và mũ, cùng các thiết bị kỹ thuật số là những sản phẩm bán chạy nhất trên trang bán hàng trực tuyến của hãng nửa đầu năm nay.

Bên cạnh đó, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Kantar, thị trường sản phẩm chăm sóc da mặt cho nam giới tăng trưởng tới 17% trong vòng hai năm qua. Một khảo sát độc lập cho thấy 70% trong số 1.500 nam giới từ độ tuổi 20-49 không hài lòng với làn da của mình. Có thể thấy, nhu cầu sản phẩm chăm sóc cá nhân cho nam giới đang chứng kiến mức tăng đáng kể.

Tăng cường trải nghiệm mua sắm là một khía cạnh khác mà các nhà bán lẻ hướng tới. Một trung tâm thương mại của Tập đoàn Dalian Wanda Group mở cửa tại tỉnh Vân Nam cuối tháng 9 tích hợp các dịch vụ vui chơi cho trẻ em, cũng như các dịch vụ nhà hàng và ăn uống. Ước tính, khách hàng bỏ ra trung bình 30-60 nhân dân tệ khi mua sắm, bên cạnh chi phí bổ sung cho con cái họ vui chơi.

Wanda hiện vận hành các dịch vụ giải trí cho trẻ em tại 30 địa điểm và có kế hoạch mở rộng lên 200 địa điểm vào năm 2020. Nhiều trung tâm thương mại và gian hàng mua sắm mở ra trong giai đoạn phát triển cao điểm dần rơi vào tình trạng đình trệ, khi họ không thể duy trì lượng khách hàng “trung thành”, trong bối cảnh khách hàng đang có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Vì thế, các chiêu trò kéo khách hàng tới trung tâm mua sắm và tạo cho họ những trải nghiệm mua sắm trở thành mục tiêu hàng đầu.

Lĩnh vực được tập trung thứ ba là sự gia tăng của chi tiêu thực tế, đặc biệt là các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, hơn là đồng hồ đắt tiền hay xe hơi. Phái mạnh Trung Quốc thường tới trung tâm mua sắm House Foods tại Thượng Hải để mua sản phẩm nước tinh chất nghệ giải rượu Ukon no Chikara của Nhật Bản, một sản phẩm có giá 25 nhân dân tệ/chai. Thực tế, giữ gìn và chăm sóc sức khỏe đã trở nên quan trọng hơn tại Trung Quốc. Các loại bia không cồn trở nên phổ biến và được tiêu thụ nhiều hơn tại Bắc Kinh và các thành phố lớn. Đây thực sự là một xu hướng mua sắm mới, như nhận định của truyền thông Trung Quốc.

Sau nhiều năm duy trì mức tăng trưởng hai con số, doanh số bán hàng của các gian hàng và trung tâm thương mại tại Trung Quốc chỉ tăng 2,7% năm 2014. Trong khi đó, mua sắm trực tuyến qua điện thoại di động và các thiết bị thông minh lại tăng nhanh, chiếm tới 10% thị trường bán lẻ nước này. Doanh thu giải trí từ phim ảnh cũng tăng nhanh. Thực tế này khiến các nhà bán lẻ Trung Quốc buộc phải nắm bắt cơ hội để điều chỉnh và thích ứng theo những nhu cầu đang thay đổi của người tiêu dùng.

Tin bài liên quan