Các ngân hàng trung ương “mắc kẹt” với vòng xoáy nới lỏng của Fed

Các ngân hàng trung ương “mắc kẹt” với vòng xoáy nới lỏng của Fed

(ĐTCK) Thứ Ba vừa qua là lần đầu tiên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất hơn 0,25% kể từ năm 2008. Động thái này đánh dấu bước ngoặt đối với Chủ tịch Jerome Powell và các đồng sự. 

Trước đó, Fed cho thấy họ không có dấu hiệu thay đổi lãi suất trong năm 2020, duy trì vị thế đứng bên ngoài cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, sau khi đã hạ lãi suất 3 lần trong năm 2019. Đáng chú ý, ông Powell còn để mở cánh cửa hạ lãi suất sâu hơn nữa trong cuộc họp thường kỳ vào 17-18/3 tới.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không lấy làm ấn tượng với động thái này, cũng như các thành viên G7 trong việc cam kết sẽ làm mọi việc để đánh bại khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.

Chỉ số S&P 500 giảm hơn 3%, trong khi lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 1%/năm sau khi thông tin được công bố.

Các thành viên thị trường tin rằng, Fed sẽ tiếp tục hành động trong thời gian tới, đồng thời cơ quan này đã “khai hỏa” để mở ra làn sóng hạ lãi suất trên toàn cầu.

Điều này đẩy ngân hàng trung ương tại nhiều nền kinh tế trên toàn cầu ở thế “mắc kẹt” khi không có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tương tự.

Lãi suất gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện đã ở mức thấp kỷ lục là âm 0,5%/năm và các nhà chính sách, bao gồm Chủ tịch ECB Christine Lagarde, đã bày tỏ lo ngại những tác động trái chiều của môi trường lãi suất, bao gồm lợi nhuận nhà băng bị bóp nghẹt và giá nhà gia tăng.

Đây là lý do các thành viên thị trường nhận định ECB chỉ có khả năng hạ lãi suất thêm 10 điểm cơ bản trong phiên họp chính sách diễn ra tuần tới và thêm 10 điểm cơ bản nữa vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, giới chức quản lý tiền tệ châu Âu đưa ra tín hiệu cho thấy, họ có thể thực hiện một số biện pháp khác như cung cấp các gói cho vay dài hạn, thay vì hạ lãi suất, rót vốn trực tiếp vào các công ty đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hiện tại, ECB rõ ràng đang ở thế khó khi lãi suất ở mức âm, nhưng không thể giữ nguyên ở mức hiện tại thêm nữa, khi động thái hạ lãi suất của Fed khiến đồng euro tăng giá so với USD.

Thực tế, đồng euro leo dốc so với USD ngay sau khi thông tin hạ lãi suất được công bố và nếu xu hướng này được duy trì, đây không phải thông tin tích cực đối với nền kinh tế chung châu Âu vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Một tin mừng đối với ECB là việc đồng euro vẫn đang ở mức rẻ hơn so với thời điểm tháng 1/2018, hay tháng 9/2017, khi lên gần mức 1 euro đổi 1,25 USD. Hiện tại, đồng tiền này đang giao dịch ở mức tương đương 1,12 USD/euro.

“Việc euro được định giá lại là cái giá khá nhỏ mà ECB có thể chấp nhận để có thể ‘tự do’ trước vòng xoáy nới lỏng mà Fed đã khuấy lên. Đồng euro đang rẻ và ECB nhận thức được điều này”, Valentin Marinov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tiền tệ nhóm G10 tại Credit Agricole SA cho biết.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), khi lãi suất hiện đang ở mức âm 0,1%/năm và các tác động tiêu cực của môi trường lãi suất âm đã thể hiện khá rõ ràng.

Không giống như Fed, BOJ không hề có tín hiệu cho thấy sẽ có động thái nới lỏng chính sách, ngay cả khi nền kinh tế Nhật Bản đang đối diện với tình trạng giảm tốc.

Thay vào đó, BOJ cho biết có thể sử dụng các biện pháp để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính, bao gồm mua vào các chứng chỉ quỹ ETF, hay sử dụng trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt.

Có phần tích cực hơn so với ECB hay BOJ, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được đánh giá có khả năng tham gia xu hướng hạ lãi suất theo bước chân Fed, khi lãi suất tại đây hiện ở mức 0,75%/năm.

Thống đốc BOE Mark Carney cho hay, cơ quan này có thể hạ lãi suất về gần mức 0 nếu cần thiết.

Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 1/2020, BOE dự tính tiến hành các gói mua vào tài sản với trị giá ít nhất gấp đôi gói đã được thực hiện vào tháng 8/2016 (77 tỷ USD). Điều này tương đương với việc hạ lãi suất 100 điểm cơ bản. Như vậy, không gian hạ lãi suất của BOE cũng không lấy làm rộng rãi.

Tin bài liên quan