Bùng nổ cửa hàng không nhân viên ở Trung Quốc, Nhật Bản

Bùng nổ cửa hàng không nhân viên ở Trung Quốc, Nhật Bản

Các cửa hàng tiện lợi không nhân viên thanh toán đang dần thay thế bách hoá truyền thống tại hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Nhật Bản và Trung Quốc có nhiều xu hướng kinh doanh đi tiên phong trên thế giới. Trong đó, hai quốc gia này đều có một lượng lớn các cửa hàng tiện lợi và đang tích cực biến chúng thành các cửa hàng không có nhân viên thanh toán.

Mỗi nước đều có một lý do riêng để phát triển xu hướng này. Làn sóng thương mại điện tử bùng nổ khiến nhiều chuỗi cửa hàng không nhân viên ra đời.

Nhật Bản phát triển mô hình này vì nỗi lo thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai. Các cửa hàng tự động hầu hết không có nhân viên thanh toán, diện tích nhỏ. Chúng thường được bày biện hợp lý, thay thế dần cho các cửa hàng truyền thống. 

Trong cửa hàng F5 Future ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), các mặt hàng không được bày trên kệ như những bách hoá truyền thống. Thay vào đó, khách hàng lựa chọn khoảng 100 sản phẩm, bao gồm đồ ăn nhẹ, nước uống... thông qua các màn hình gắn trên tường.

Người dùng thanh toán bằng cách quét mã QR cho mỗi sản phẩm thông qua smartphone gắn với ví điện tử. Sau đó, hàng hoá được máy tự động đưa ra, cả quá trình đặt mua và thanh toán mất khoảng 3 phút.

F5 Future Store ra mắt năm 2014 và bắt đầu mở rộng từ cuối năm ngoái, theo công ty thương mại điện tử Chuang Shang Hui. Công ty hiện điều hành 5 địa điểm tại Quảng Châu, Thâm Quyết và đặt mục tiêu mở 100 cửa hàng. 

Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 100.000 cửa hàng tiện lợi, phần lớn thuộc sở hữu tư nhân, chủ yếu tập trung tại các thành phố. Đây chính là tiềm năng để phát triển các cửa hàng tư động.

Theo một hãng nghiên cứu Trung Quốc, thị trường bán lẻ nước này dự kiến đạt 950 tỉ NDT (145 tỷ USD) vào năm 2022, tăng trưởng "thần tốc" so với con số chỉ 10 tỷ NDT hiện nay.

Zhongshan Bingo Network Technology - một startup khác tại Trung Quốc cũng đang vận hành 200 cửa hàng không nhân viên mang tên Bingo Box.

Chuỗi cửa hàng chủ yếu tập trung tại thành phố Thượng Hải. Khách hàng ở Bingo Box thường xác nhận danh tính bằng tài khoản WeChat và thanh toán qua ứng dụng Alipay của tập đoàn Alibaba.

Nhiều ông lớn khác tại Trung Quốc cũng đang bước chân vào lĩnh vực này. Hồi tháng 8, đại gia bán lẻ - Suning Holdings Group mở cửa hàng tự động "Biu" đầu tiên tại tỉnh Giang Tô. Sau ba tháng, doanh nghiệp này có thêm bốn cửa hàng nữa tại Thượng Hải và Trùng Khánh.

Còn tại Nhật Bản, các chuỗi cửa hàng đang tìm cách để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động vì nhân viên bán thời gian không được làm việc ca đêm. 

Ministop - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ tư quốc gia này sẽ giới thiệu một hệ thống tự động thanh toán từng phần. Khách hàng chọn phương thức thanh toán trên màn hình cảm ứng và trả tiền khi nhân viên quét mã vạch. Phương thức này giúp tiệm kiệm 30% thời gian.

Ministop đang thử nghiệm máy móc mới tại các cửa hàng ở Tokyo và dự kiến hoàn tất vào giữa tài khoá 2018. Sau đó, hãng sẽ triển khai tại hơn 2.200 địa điểm.

Theo kế hoạch, Ministop sẽ có vài hệ thống tự động tại mỗi cửa hàng và một nhân viên thanh toán có thể phụ trách hai máy cùng một lúc.

Hệ thống mới sẽ quản lý được cả các sản phẩm bị giới hạn độ tuổi sử dụng như đồ uống và thuốc lá. Ministop dự kiến đầu tư 1,5 tỷ yen (13,2 tỷ USD) cho máy móc mới.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ ba Nhật Bản - Lawson sẽ ra mắt hệ thống thanh toán tự động bằng smartphone tại một số cửa hàng ở Tokyo từ mùa xuân.

Seven Eleven - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất quốc gia này cũng vận hành hệ thống kệ trượt giúp tiết kiệm hơn 30% thời gian.

Tuy nhiên, các cửa hàng không nhân viên vẫn còn nhiều bất cập.

Theo khảo sát của phóng viên Nikkei tại một cửa hàng F5 Future ở Quảng Châu, một số sản phẩm đã gặp phải lỗi khi giao dịch.

Tại một cửa hàng tự động khác cũng ở thành phố này, sản phẩm được đưa ra trước khi khâu thanh toán được hoàn tất. Các cửa hàng hầu hết được lắp camerra để ngăn ngừa trộm cắp.

Một công ty nghiên cứu thị trường cho biết 70% khách hàng được khảo sát cho biết thích thú với các cửa hàng không nhân viên thu ngân. 83% người dùng lại cho rằng các cửa hàng này còn chưa phong phú và thường gặp lỗi trong lúc đặt mua hàng.

Tuy nhiên, các cửa hàng tại Trung Quốc thường ít gặp trục trặc hơn ở Nhật Bản. Nhật và nhiều quốc gia khác trên thế giới có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm phát triển không nhân viên của Trung Quốc.

Tại Mỹ - nền kinh tế số một thế giới, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon vẫn đang thử nghiệm Amazon Go - một cửa hàng tiện lợi không nhân viên của hãng này.

Tin bài liên quan