CEO của BHPbiliton Marius Kloppers và CEO của RIO Tinto Tom Albanese

CEO của BHPbiliton Marius Kloppers và CEO của RIO Tinto Tom Albanese

BHP Billiton Rio Tinto đều không buồn vì liên doanh đổ vỡ

(ĐTCK-online) Sau gần một năm chờ đợi (kể từ tháng 12/2009 đến nay), cuối cùng, hai tập đoàn khai thác khoáng sản lớn nhất, nhì thế giới là BHP Billiton và Rio Tinto (của Anh và Australia) đã phải từ bỏ dự án liên doanh khai thác quặng sắt tại vùng Pilbara ở bang Tây Australia.

Nguyên nhân là do Ủy ban châu Âu (EC), Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… đều lớn tiếng phản đối kịch liệt với lo ngại một khi chính thức hình thành và hoạt động, liên doanh này sẽ bóp mép tính cạnh tranh trên thị trường khi có thể đưa ra giá quặng sắt mang tính độc quyền.

Đại diện Hiệp hội Gang thép Trung Quốc (CISA) còn lớn tiếng phát biểu: “Là nước tiêu thụ và nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, nên Trung Quốc phản đối đến cùng việc ra đời liên doanh giữa BHP Billiton và Rio Tinto. Chúng tôi phải bảo vệ lợi ích của các công ty thép Trung Quốc trước nguy cơ phải mua quặng sắt với giá cao của liên doanh này”.

Ngày 18/10/2010, ông Tom Albanese, Giám đốc điều hành (CEO) Rio Tinto phát biểu, trước sự phản đối của các cơ quan chống độc quyền trên khắp thế giới, liên doanh sẽ buộc phải làm các thủ tục để chấm dứt hoạt động. 

Trong một bản thông báo riêng rẽ khác, BHP Billiton cũng khẳng định việc chấm dứt dự án liên doanh này.

Để tiện theo dõi, xin đưa ra vài thông tin cơ bản về liên doanh.

Ngày 5/6/2009, BHP Billiton và Rio Tinto đã đạt được thoả thuận sơ bộ thành lập liên doanh (với tỷ lệ góp vốn 50/50) có tổng trị giá 116 tỷ USD với mục tiêu tiết kiệm hơn 10 tỷ USD chi phí mỗi năm.

Ngày 5/12/2009, hai bên ký hợp đồng chính thức thành lập liên doanh. Song bởi quy mô quá khổng lồ, nên liên doanh còn phải được các cơ quan chức năng, cơ quan chống độc quyền ở nhiều nước có liên quan thẩm định, chấp thuận thì mới có thể hoạt động hợp pháp. Liên doanh đã định ra thời hạn chót là ngày 31/12/2010, song đến thời điểm này (sớm hơn 2 tháng) đã có quá nhiều lực lượng chống đối, rào cản pháp lý lớn buộc liên doanh phải… tự giải tán.

Cả BHP Billiton lẫn Rio Tinto đều cùng có cổ phiếu niêm yết đồng thời (dual listing) tại 2 sở GDCK  London (Anh) và Sydney (Australia). Cổ phiếu của cả hai tập đoàn đều giảm nhẹ sau khi có tin liên doanh đổ vỡ.

Tom Albanese Marius Kloppers Tom Albanese Marius Kloppers

Tom Albanese

Marius Kloppers

Đây cũng là lần thứ hai, ông Marius Kloppers, CEO của BHP Billiton không thành công trong việc hợp tác với Rio Tinto, sau khi trước đây vào năm 2008 đã phải từ bỏ đề nghị mua lại Rio Tinto với giá 66 tỷ USD. Nói một cách khác, ông này không hề “có duyên” trong hợp tác với Rio Tinto.

Song có điều trớ trêu và lạ lùng là, cả hai tập đoàn lại không hề lấy làm buồn, làm tiếc về chuyện... “xôi hỏng, bỏng không” của liên doanh.

Ngay sau đó, Rio Tinto công bố kế hoạch đầu tư 3,1 tỷ USD để mở rộng việc khai thác quặng sắt tại các mỏ hiện có của mình ở Australia để nâng tổng sản lượng quặng sắt ở mức 220 triệu tấn/năm hiện nay lên mức 283 triệu tấn vào năm 2013.  Riêng về khai thác quặng sắt, Rio Tinto là tập đoàn khai thác quặng sắt lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Tập đoàn Vale của Brazil.

Sau đó một ngày, BHP Billiton cũng công bố kế hoạch đầu tư để nâng công suất khai thác quặng ở Australia từ 125 triệu tấn/năm hiện nay lên 155 triệu tấn vào năm 2015.

Tuy là tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới, song riêng về khai thác quặng sắt, thì BHP Billiton chỉ đứng thứ 3, sau Vale và Rio Tinto.

Ngoài ra, đại diện BHP Billiton tuyên bố, Tập đoàn này vẫn đang đeo đuổi việc mua lại Tập đoàn sản xuất phân bón Potash Corp of Saskatchewan (Canada) với giá 39 tỷ USD, cho dù đang vướng không ít trở ngại từ Chính phủ Canada và chính quyền tỉnh Saskatchewan. Đến ngày 18/11 tới, vụ này mới ngã ngũ.

Theo nhiều nhà phân tích, do đã đoán trước được tình hình, nên cả BHP Billiton lẫn Rio Tinto đều không tỏ ra bất ngờ trước các quyết định chống lại liên doanh. Vì vậy, mà chẳng có phản ứng nào dữ dội, bày tỏ sự tiếc nuối hay buồn phiền.

Theo một số nguồn tin, ngược lại, ở một mức độ nào đó, dù không nói ra, nhưng hai bên đều nhận thấy, liên doanh không thành mà… hoá hay.

Vào thời điểm hai bên ngồi với nhau bàn về thành lập liên doanh (tháng 5/2009), giá quặng sắt ở mức thấp, cả hai tập đoàn đều gặp ít nhiều khó khăn về tài chính, nên có thể họ cần đến nhau nhiều hơn. Nhất là Rio Tinto khi đó vừa phải từ chối khoản đầu tư trị giá 19,5 tỷ USD của Tập đoàn nhôm Chinalco (Trung Quốc).

Còn hiện nay, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã đi qua, giá quặng sắt đã tăng mạnh trở lại. Tình hình kinh doanh của 2 tập đoàn được cải thiện rất nhiều, nên liên doanh bị đổ vỡ vì lý do khách quan thì cũng… chẳng sao.

Hơn nữa, điều khoản quy định nếu một trong 2 bên đơn phương phá vỡ hợp đồng thì phải bồi thường khoản tiền trị giá tới 276 triệu USD hoàn toàn không có hiệu lực. Thế nên có khi lại… hoá tiện.