Bất động sản Hồng Kông chứng tỏ sức bền

(ĐTCK) Một loạt biến cố xảy đến với Hồng Kông (Trung Quốc) kể từ năm ngoái cho tới nay, vậy nhưng thị trường bất động sản đắt đỏ bậc nhất thế giới này vẫn chứng tỏ sức bền ấn tượng.

Bắt đầu từ việc các vụ biểu tình liên tiếp diễn ra trong thời gian dài vào nửa cuối năm 2019, tiếp nối theo đó là xung đột thương mại Mỹ - Trung và mới đây nhất là việc Trung Quốc tuyên bố triển khai dự luật an ninh mới. Nhưng những biến động kinh tế - chính trị lớn kể trên không đủ sức làm giảm nhiệt thị trường bất động sản nơi đây.

 Mới đây, tại buổi mở bán 94 căn hộ thuộc dự án The Compton ở khu trung tâm Kowloon, hàng tá khách hàng xếp hàng giữa trời mưa đợi được ký hợp đồng mua căn hộ. Tất cả các căn hộ thuộc dự án, trừ duy nhất 1 căn, đã được bán hết trong 8 tiếng đồng hồ, mang lại 880 triệu HKD cho chủ đầu tư là China Vanke Co.

Bất động sản Hồng Kông chứng tỏ sức bền ảnh 1

“Khi hệ thống chính trị và nền kinh tế không ổn định, đồng tiền sẽ mất giá nhanh chóng. Tôi muốn dùng tiền mua căn hộ nhằm đảm bảo giá trị lâu dài”, một khách hàng mua căn hộ thuộc dự án The Compton cho biết. Giá căn hộ 1 phòng ngủ tại đây thấp nhất là 6,8 triệu HKD (tương tương 872.4000 USD).

Quan điểm trên cũng là ý niệm chung của người dân Hồng Kông, khi luôn coi bất động sản là bến đỗ an toàn. Trong tháng trước, nhà phát triển bất động sản Sun Hung Kai Properties Ltd đã bán hết 97% dự án 298 căn hộ tại Wetland Seasons Park chỉ trong 1 ngày. Trong tuần sau đó, Sun Hung Kai tiếp tục bán thêm hơn 90% trong số 209 căn hộ tại một dự án khác.

Bất động sản Hồng Kông chứng tỏ sức bền ảnh 2

Thực tế, có nhiều lý do để niềm tin của người dân Hồng Kông đặt vào bất động sản được giữ vững. Giá bất động sản tại đây đã tăng 230% kể từ năm 2000 cho tới nay, theo số liệu của Centaline Property Agency Ltd. Bất chấp tăng trưởng kinh tế theo hướng xuống dốc kể từ đầu năm tới nay, giá nhà tại Hồng Kông vẫn tăng 1,2%  và đang leo dốc với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/2019 tới nay.

Ngay cả khi giá nhà và doanh số bán hàng giảm xuống tại nhiều thị trường trên toàn cầu như London, Singapore…, Hồng Kông vẫn ghi nhận 6.885 thương vụ mua bán bất động sản trong tháng 5/2020, mức cao nhất trong 12 tháng qua. Bên cạnh đó, trung tâm tài chính châu Á này vẫn giữ vị trí thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, theo báo cáo của CBRE Group Inc công bố đầu tháng 6. Giá bất động sản trung bình tại đây là 1,3 triệu USD, vượt xa so với mức 11,9 triệu USD tại Vancouver - khu vực giữ vị trí thứ 2.

“Giá bất động sản tại Hồng Kông duy trì tăng trưởng một cách “lì lợm”, nhất là khi giá cả đã trở nên rất đắt đỏ”, Simon Smith, người đứng đầu bộ phận tư vấn và nghiên cứu tại Savills Plc nói và cho biết, nguyên nhân chủ yếu tới từ môi trường lãi suất thấp được duy trì, cũng như việc Hồng Kông đang kiểm soát tốt tình hình đại dịch Covid-19.

Trong dài hạn, các yếu tố như nguồn cung hạn chế, nhu cầu nhà ở cao, lãi suất ở mức gần 0%... sẽ tiếp tục tạo bệ đỡ cho đà tăng của giá nhà, theo báo cáo của Morgan Stanley.

Dù vậy, đà tăng giá của bất động sản trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn cũng tạo nên những rủi ro nhất định. Trước ảnh hưởng của đại dịch, hàng loạt cửa hiệu tại Hồng Kông phải đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất trong thập kỷ. Mặc dù đa phần việc làm mất đi tại lĩnh vực yêu cầu kỹ năng thấp như bán lẻ, phục vụ ăn uống, nhưng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có thể ảnh hưởng tới khả năng trả các khoản nợ vay bất động sản.

Đáng chú ý, những bất ổn xung quanh câu chuyện tương lai của Hồng Kông cũng khiến dòng tiền tại đây có xu hướng chảy ra nước ngoài. Các tài khoản ngân hàng của người không cư trú tại Singapore tăng lên mức kỷ lục vào đầu tháng 6, một tín hiệu sớm cho thấy cư dân Hồng Kông chuẩn bị đường rút lui an toàn cho mình.

Tin bài liên quan