Phố Wall trái chiều trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng của các cổ phiếu lớn - Ảnh: Reuters

Phố Wall trái chiều trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng của các cổ phiếu lớn - Ảnh: Reuters

Apple kéo S&P 500 lên đỉnh, Boeing đẩy Dow Jones đảo chiều

(ĐTCK) Trong khi S&P 500 thiết lập đỉnh cao lịch sử mới nhờ sự hỗ trợ của Apple, thì Dow Jones quay đầu giảm điểm do cổ phiếu Boeing giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh tích cực giúp Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm. Tuy nhiên, những rủi ro về địa chính trị ở Ukraine và Trung Đông khiến giới đầu tư thận trọng và cũng tìm kiếm đến kênh đầu tư an toàn hơn là trái phiếu.

Trong 149 công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý II, có 68,5% doanh nghiệp có lợi nhuận vượt kỳ vọng, cao hơn trung bình 4 quý gần nhất chút ít và cao hơn mức trung bình 63% của 20 năm qua. Về doanh thu, có 63,1% vượt kỳ vọng, cao hơn mức trung bình dài hạn 61%.

Trong 3 chỉ số chính của Phố Wall, trong khi S&P 500 tăng điểm và thiết lập đỉnh cao mới nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Apple sau kết quả kinh doanh khả quan được công bố trước đó, thì Dow Jones đảo chiều do ảnh hưởng của cổ phiếu Boeing Co khi hãng này công bố chi phí tăng cao trong việc phát triển các máy bay quân sự, bất chấp lợi nhuận được công bố tăng vọt 52% theo quý. Nasdaq cũng có phiên tăng nhẹ như S&P 500.

Trong số các doanh nghiệp lớn vừa công bố kết quả kinh doanh, Facebook có mức tăng trưởng doanh thu mạnh hơn dự kiến; PepsicoCo có lợi nhuận vượt dự báo; các công ty công nghệ sinh học cũng có kết quả kinh doanh khả quan.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số Dow Jones giảm 26,91 điểm (-0,16%), xuống 17.086,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,48 điểm (+0,18%), lên 1.987,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,68 điểm (+0,40%), lên 4.473,70 điểm.

Các phương tiện thông tin phương Tây đưa tin, một số phiến quân ly khai cho biết, chính phía hộ đã bắn rơi máy bay MH17 khiến 298 người thiệt mạng do nhầm lẫn. Liên minh châu Âu cũng nâng cảnh báo tăng trừng phạt đối với Nga ở các lĩnh vực thị trường vốn, công nghệ năng lượng, quốc phòng. Tuy nhiên, giới đầu tư đã không bán tháo sau những căng thẳng này, mà ngược lại chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng điểm nhờ hiệu ứng kết quả kinh doanh khả quan và thị trường chứng khoán Bồ Đào Nha khi nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng gặp khó khăn Banco Espirito Santo.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 2,81 điểm (+0,04%), lên 6.798,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 19,23 điểm (+0,20%), lên 9.753,56 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 6,8 điểm (+0,16%), lên 4.376,32 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư thận trọng trước các rủi ro địa chính trị đang gia tăng ở Trung Đông và Ukraine. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kồng lại vụt tăng mạnh nhờ ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán Âu, Mỹ của phiên trước đó.

Kết thúc phiên 23/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 14,72 điểm (-0,10%), xuống 15.328,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 189,76 điểm (+0,80%), lên 23.971,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 3,01 điểm (+0,14%), lên 2.078,49 điểm.

Bất chấp những rủi ro cuộc xung đột ở Dải Gaza và khủng hoảng Ukraine khi quân ly khai đòi liên bang hóa ở miền Đông bắn rơi 2 máy bay Su 25 của Kiev, nhưng giá vàng lình xình theo xu hướng giảm trong phiên thứ Tư. Giá vàng chưa thể tăng mạnh dù nhận được nhiều thông tin hỗ trợ, bởi các nhà đầu tư vẫn ưa thích các kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán.

Kết thúc phiên 23/7, giá vàng giao ngay giảm 3,5 USD (-0,27%), xuống 1.304 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,6 USD (-0,12%), xuống 1.304,7 USD/ounce.

Giá dầu thô tăng mạnh trở lại khi các kho dự trữ của Mỹ giảm hơn dự kiến và căng thẳng địa chính trị ở 2 giếng dầu của thế giới, gây lo ngại ảnh hưởng đến nguồn cung.

Kết thúc phiên 23/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,73 USD (+0,71%), lên 103,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,70 USD (-0,65%), lên 108,03 USD/thùng.

Tin bài liên quan