Anh đứng trước nguy cơ thâm hụt ngân sách hơn 100 tỷ bảng nếu Brexit “cứng”

Anh đứng trước nguy cơ thâm hụt ngân sách hơn 100 tỷ bảng nếu Brexit “cứng”

(ĐTCK) Viện nghiên cứu tài chính Anh (IFS) chỉ ra rằng, thâm hụt ngân sách của Anh có khả năng tăng hơn gấp đôi, lên khoảng 100 tỷ bảng nếu nước này rời Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận.

“Việc rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận sẽ tăng gấp đôi thâm hụt ngân sách”, các chuyên gia IFS cho biết.

Trong khi đó, bỏ mặc những phản đối quyết liệt của Nghị viện Anh, Thủ tướng Boris Johnson vẫn “đóng gói hành lý” và chuẩn bị rời khỏi EU vào ngày 31/10, dù có hay không có thỏa thuận.

Theo dự báo của IFS, trong trường hợp Brexit không thỏa thuận xảy ra nhưng tương đối ôn hòa, thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên mức 92 tỷ bảng Anh vào năm 2021 - 2022, tương đương 4% GDP. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, nền kinh tế Anh vẫn sẽ bước vào suy thoái vào năm 2020.

Theo các chuyên gia phân tích, trong trường hợp xấu hơn, nếu chính phủ phải sử dụng các biện pháp kích thích tài chính đủ để ngăn chặn sự co lại của nền kinh tế, thâm hụt sẽ đạt tối đa 102 tỷ bảng vào năm 2020 – 2021.

“Brexit không thỏa thuận, nếu xảy ra, sẽ yêu cầu một chính sách kích thích tài chính trong ngắn hạn, sau đó nền kinh tế sẽ nhanh chóng quay lại thắt lưng buộc bụng”, Carl Emmerson, Phó giám đốc IFS, cho biết.

Trong tài khóa 2018 - 2019, thâm hụt ngân sách của Anh là 41 tỷ bảng, tương đương 1,9% GDP, mức thấp nhất kể từ năm 2001 - 2002, sau nhiều năm nỗ lực giảm thâm hụt từ mức đỉnh 10,2% trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 - 2010.

IFS tin rằng về lâu dài, Brexit mà không có thỏa thuận sẽ đồng nghĩa với việc giảm chi tiêu của chính phủ và tăng gánh nặng thuế. Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra rằng, ngay cả khi không có Brexit, Anh vẫn có thể sẽ phải tăng thuế để đáp ứng lương hưu và chi phí chăm sóc sức khỏe cho bộ phận dân số già.

Trước đó, Sajid Javid, Bộ trưởng Tài chính Anh, đã công bố chi 13,4 tỷ bảng bổ sung chi tiêu dành cho y tế, lực lượng cảnh sát, trường học và các lĩnh vực khác. Đây là bước đánh dấu khởi đầu cho sự tăng trưởng của thâm hụt, có thể vượt qua mức 2% GDP.

IFS lưu ý rằng, Javid có thể vội vàng nộp dự thảo ngân sách trước cuộc bầu cử sớm, vì ông Boris Johnson cần sự ủng hộ của đa số. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, điều này không đáng bởi chính phủ phải thực sự hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu Brexit trước khi đặt ra các mục tiêu ngân sách dài hạn.

Tin bài liên quan